Nhóm kỹ sư, cử nhân cầm đầu đường dây làm bằng giả

Nghi can Cường cầm đầu đường dây tại cơ quan điều tra. Ảnh Việt Văn
Nghi can Cường cầm đầu đường dây tại cơ quan điều tra. Ảnh Việt Văn
TPO - Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin một trường đại học tại TPHCM, Cường đứng ra thành lập đường dây làm bằng cấp giả để kiếm tiền, thu lợi bất chính hàng tháng hơn 100 triệu đồng. 

Ngày 13/4, Bộ Công an đã tạm giữ 10 nghi can trong đường dây này gồm: Lê Tấn Cường (SN 1986, quê Bình Định), Lữ Minh Trí (SN 1983, quê Quảng Ngãi), Lữ Minh Tâm (SN 1990, em ruột Trí), Lê Minh Tuấn (SN 1992, quê Bình Định), Trần Tư Dũng (SN 1961, quê Tiền Giang), Hồ Thị Thanh Vy (SN 1987, quê Bến Tre), Lưu Thành Tâm (SN 1962, quê Bến Tre), Vũ Phong Lưu (SN 1995, cháu của Tâm), Tạ Xuân Thủy (SN 1990, quê TPHCM), Nguyễn Anh Tuấn (SN 1987, quê Hà Tĩnh).

Theo cơ quan điều tra, nhiều nghi can trong đường dây này điều tốt nghiệp đại học là cử nhân, kỹ sư ở một số trường đại học. Trong đó, nghi can Lê Tấn Cường là người cầm đầu đường dây đường dây trên, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin của trường ĐH Công Nghiệp TPHCM.

Sau khi tốt nghiệp ra trường năm 2009, Cường đã bắt đầu tổ chức môi giới, sản xuất bằng giả, chứng chỉ giả,.. để bán. Trong đường dây này, Cường tổ chức cho 5 người chuyên sản xuất, những đàn em khác làm môi giới tìm kiếm khách hàng mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả mang đi bán ở khắp cả nước với giá từ 1.5- 7 triệu đồng.

Đại úy Lường Tiến Quân, phó Trưởng phòng 4, Cục cảnh sát hình sự, Bộ công an cho biết, qua điều tra ban đầu, phát hiện số lượng bằng cấp, chứng chỉ giả tuồn ra bên ngoài xã hội là rất lớn lên đến hàng nghìn. Ngoài giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn làm giả, có rất nhiều bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, dược sỹ,… làm giả giống y như thật, mắt thường khó phân biệt được. 

Nhóm kỹ sư, cử nhân cầm đầu đường dây làm bằng giả ảnh 1

Nghi can Lữ Minh Trí là đàn em thân cận, trực tiếp điều hành nhóm sản xuất bằng cấp giả cho Cường. Ảnh CA cung cấp.

Các đối tượng trong đường dây này còn bao luôn công chứng để khách hàng an tâm sử dụng bằng cấp đi xin việc,.. Tại thời điểm kiểm tra “ổ” sản xuất trong đường dây của Cường, công an thu giữ hàng trăm bằng cấp giả đã thành phẩm, hàng nghìn phôi giả cùng nhiều tang vật khác.

Theo điều tra, Cường mua phôi bằng ở Trung Quốc với số lượng rất lớn, lên đến hàng nghìn rồi đứng ra thuê các kỹ sư làm đàn em mình đứng ra sản xuất các giấy tờ, bằng cấp giả tại một căn hộ thuộc chung cư C6 (Khu Công nghệ cao, quận 9).

Số đàn em còn lại làm môi giới, tìm kiếm khách hàng và đi giao bằng, nhận tiền mang về cho Cường. Cường khai nhận mỗi ngày có hơn 20 bằng cấp, chứng chỉ giả đường bán cho khách hàng. Hàng tháng Cường thu lợi bất chính hơn 100 triệu đồng. 

Nhóm kỹ sư, cử nhân cầm đầu đường dây làm bằng giả ảnh 2
Nhóm kỹ sư, cử nhân cầm đầu đường dây làm bằng giả ảnh 3

Tang vật thu giữ gồm hàng trăm bằng cấp giả, hàng nghìn phôi giả tại nơi sản xuất của băng nhóm này. Ảnh CA cung cấp.

Để có nguồn khách hàng, Cường đăng thông tin làm bằng cấp chứng chỉ giả trên các trang web quảng cáo do mình lập ra như: lambangcapnhanh...;,loantin..; ,lambangdaihoc102... với nội dung cung cấp chứng chỉ Bộ Giáo dục do các trường đại học từ Bắc vào Nam có uy tín với giá từ 800 nghìn đến 1,5 triệu đồng mỗi chứng chỉ.

Riêng bằng đại học, cao đẳng, thạc sỹ, tiến sỹ, các chứng chỉ anh văn châu Âu,… có giá từ 5 – 7 triệu đồng mỗi cái. Thông tin này còn kèm theo khuyến mãi nếu đăng ký làm nhiều sẽ được hưởng giá ưu đãi và có ngay trong ngày.

Đây là chuyên án được Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phía Nam theo dõi từ cuối năm 2015 đến nay và quyết định triệt phá vào ngày 13/4 để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát hình sự (18/4/1946 – 18/4/2016). 

MỚI - NÓNG