Nhọc nhằn nghề thông cống ngầm trong mưa

0:00 / 0:00
0:00
Để dọn sạch đất, rác vướng trong các ống xả, công nhân thoát nước phải ngâm mình trong nước cống liên tục. Ảnh: Giang Thanh
Để dọn sạch đất, rác vướng trong các ống xả, công nhân thoát nước phải ngâm mình trong nước cống liên tục. Ảnh: Giang Thanh
TP - Khi trận mưa nặng hạt liên tục đổ xuống là lúc các công nhân xử lý nước thải bận rộn gấp bội để dọn rác dưới lòng phố, ngâm mình trong làn nước đen ngòm để khơi thông cống thải, giúp Đà Nẵng tránh ngập lụt cục bộ.

Đà Nẵng vào mùa mưa, khi những cơn mưa nặng hạt liên tục trút xuống, các công nhân thoát nước cũng vào mùa tất bật. Đầu giờ chiều, nhận được thông báo của trực ban, anh Bùi Sĩ Kỳ (Tổ trưởng tổ thoát nước khu vực Hòa Xuân, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng) cùng các thành viên trong tổ lập tức sẵn sàng.

Khoác bộ áo mưa, xách túi đồ nghề, anh Kỳ hỗ trợ mọi người xếp xẻng, xà beng, thang dây… lên xe ba gác rồi lên đường. “Vừa rồi, có tin báo về điểm tắc cống ở đường Võ Chí Công. Mưa lớn như thế này, nếu không xử lý ngay thì đường dễ bị ngập cục bộ”, anh Kỳ giải thích.

Vừa tới điểm tắc, anh Kỳ cùng các đồng nghiệp nhanh chóng kiểm tra khu vực xung quanh miệng cống, rãnh thoát nước… Mưa lớn khiến đất, đá, lá cây cùng các loại rác rê theo dòng chảy lấp đầy miệng cống, nước ứ đọng lênh láng. Tay xẻng, tay cào, các công nhân xúc từng vốc đất lẫn rác lớn, bỏ lên xe rùa.

“Phải nhanh tay chứ mưa lớn như thế này, nước lại xối đất chảy xuống thì thành ra công cốc”, anh Kỳ nói.

Sau khi khơi thông rãnh thoát nước, anh Huỳnh Quyên (thành viên trong tổ) quay sang miệng cống thoát nước, dùng xà beng dồn sức bật nắp cống lên. Thả chiếc thang dây xuống, anh Quyên nhanh nhẹn lách qua miệng cống chỉ rộng chừng 70 – 80cm. Đầm mình trong làn nước đen ngòm, anh dùng dụng cụ khều đất, rác vướng trong một ống thải bị tắc.

Khi ống được thông, dòng nước đục ngầu ào xuống, anh Quyên vẫn cẩn thận quan sát kỹ lỗ thoát nước, rồi dùng tay thọc vào kiểm tra xem có còn chướng ngại vật gì không. Mưa càng xối xả, mùi hôi từ miệng cống, mùi tanh nồng từ bùn thải lại xộc thẳng vào cánh mũi. Đeo hai lớp khẩu trang vẫn cảm thấy khó chịu.

Chỉ sau 15 phút, khi kiểm tra thấy dòng nước thải đã ổn định, anh Quyên mới trờ theo chiếc thang dây để lên lại mặt đất. Chiếc xe ba gác cũng đầy ắp đất, rác, bùn thải vớt lên từ cống nước. “Đất với rác như rứa, làm răng mà không tắc, không ngập cho được”, anh Quyên vừa nói, vừa cuốn lại thang dây để kết thúc công việc.

Cách đó không xa, tổ công nhân thoát nước của anh Đào Hữu Nhật (38 tuổi) cũng đang hì hụi khơi thông một cống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu). Sau khi dùng tay gom sạch rác ở khu vực miệng hố thu, hai người đàn ông lực lưỡng bật nắp hố ga.

Với sự hỗ trợ của một đồng nghiệp, anh Nhật nhảy ùm xuống hố ga, dùng xà beng ra sức nạy bùn, rác mắc trong lỗ thoát. Nước cống ngập ngang người, mưa xối xuống như trút nước, anh Nhật ướt nhẹp cả người. Vừa khơi cống, anh vừa lẹ tay hốt đất, rác bỏ vào bao tải.

“Điểm tắc này vẫn đỡ vì chủ yếu là lá cây, rác nhỏ nên khơi thông nhanh, chứ gặp đúng điểm tắc do đất cát thì vừa xúc vừa nạy rất mất công”, anh Nhật kể.

Vừa trèo lên miệng cống thì điện thoại đổ chuông, dùng tay vuốt vuốt bề mặt túi ni lông loang lổ vệt nước cống, anh Nhật nhận thông tin về điểm ngập tiếp theo ở cách đó không xa. Các thành viên trong tổ nhanh chóng dọn dẹp, cất gọn dụng cụ rồi di chuyển.

“Nghề công nhân thoát nước vào mùa này “hot” lắm. Từ sáng đến giờ anh em gần như dầm mưa, dầm nước cống chứ đã được ngơi tay đâu. Cứ mưa xuống là miệng hố thu, miệng cống rác rê lấp lại, làm được bị ngập cục bộ, chúng tôi gần như phải sẵn sàng 24/24”, anh Nhật nói.

MỚI - NÓNG