Nhớ vụ vây giữ nhà báo 32 năm trước-Kỳ I: Vây hãm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng ấy vừa đến Tòa soạn thì tôi được báo họp gấp! Cố vấn Đinh Văn Nam, nguyên Tổng Biên tập (TBT) khuôn mặt ít khi biểu lộ trạng thái tình cảm, nhưng hôm nay, chừng như ông đang xúc động? Chất giọng trở nên trầm rè khi ông thông báo tổ phóng viên (PV) của báo Tiền Phong do Trưởng ban Kinh tế Phạm Nguyên Bảng, PV Mạnh Việt, PV Báo Nông Dân Việt Nam Đào Hóa và lái xe Đỗ Văn Hà đang bị vây giữ ở thôn Bàn Mạch hơn một ngày đêm rồi! Một phương án, khi đó tạm gọi là giải cứu đã nhanh chóng được bàn soạn và thống nhất.

Chúng tôi mượn xe của Trung ương Đoàn để về Bàn Mạch.

Bàn Mạch, tôi loáng thoáng có biết, hơn một năm trước, năm 1989, Mạnh Việt có viết bài gây được tiếng vang lớn trên báo Tiền Phong Vì sao chưa xử lý bọn tham ô ở Bàn Mạch? (Tiền Phong, 20/1/1989). Lâu nay, Bàn Mạch thuộc xã Lý Nhân huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú luôn là điểm nóng. Nhiều tờ báo ở Trung ương (T.Ư) đã viết bài phản ánh về nạn hà lạm công quỹ và mất dân chủ của một số cán bộ lãnh đạo xã. Nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết. Dân bức xúc đơn thư liên tục gửi các tòa báo và cơ quan chức năng T.Ư.

…Chiếc xe U-oát (mượn) gập ghềnh ngược lên Vĩnh Lạc.

Nhớ vụ vây giữ nhà báo 32 năm trước-Kỳ I: Vây hãm ảnh 1

Ô tô của báo Tiền Phong bị đập phá

Ngó lại đội hình trên xe, tạm chút an lòng. Ông Đinh Văn Nam TBT mới nghỉ hưu đương nán lại ít thời gian làm cố vấn nghiệp vụ cho tờ báo. Ông đã làm cố vấn thì yên tâm rồi. Thoáng những vụ cộm cán thời gian qua mà Tiền Phong thực thi như vụ Bí thư Thanh Hóa Hà Trọng Hòa, báo đã đoạt Giải A Phóng sự về đấu tranh chống tiêu cực. Rồi vụ Hai ngàn ngày oan trái về người tù vô danh Cao Tiến Mùi. Vụ ông già ôm bảy kg đơn từ… đều có sự chỉ đạo nghiệp vụ sắc sảo của ông Đinh Văn Nam…

Xe vừa ra khỏi trụ sở Ủy ban xã hướng lên mặt đê thì bị tốp người mặt mũi bặm trợn vây chặt. Lái xe Đỗ Hà vừa xuống, bị ôm chặt. Cửa xe bị giật ra một cách thô bạo. Nguyên Bảng, Mạnh Việt, Đào Hóa bị kéo xuống…

Tôi chẳng dám ngỏ cùng ai sự ái ngại cùng những dấu hỏi trong chuyến đi. Ấy là năm trước (1989) tôi từng tìm mọi cách để lọt vào một nhà dân ở thôn Cộng Hòa, xã Thọ Ngọc, Triệu Sơn, Thanh Hóa, nơi giam giữ mấy cán bộ công an, viện kiểm sát huyện. Rồi gặp gỡ họ để viết bài về sự kiện mất dân chủ, dân giam cán bộ huyện (Cộng hòa, Thọ Ngọc bài học nhớ đời- Tiền Phong tháng 7/1989) Rồi từng cùng với Mạnh Việt, Hồ Thu Hiền, Trung Hiền nằm cả tháng bí mật ở vùng ven thị xã Thanh Hóa để thực thi nhiều vụ việc ở Thanh Hóa nhưng may mắn chưa vướng phải chuyện bị giam giữ? Vậy mà bây giờ lại phải đối diện, phải can dự vào việc tháo gỡ đồng nghiệp mình bị vây giữ? Chợt hoảng là trong làng báo chưa có cái tiền lệ này thì biết hỏi kinh nghiệm của ai?

Nhưng cứ phải lên đường!

Chúng tôi thống nhất phương án trước tiên là phải gặp lãnh đạo huyện Vĩnh Lạc.

May quá, huyện đã biết việc vây giữ nhóm PV qua báo cáo của xã (chả như chúng tôi, ông Đinh Văn Nam hồi sáng cho biết là tin do một người dân ở thôn Bàn Mạch bí mật đến Tòa soạn báo tin).

Làm việc hồi lâu với lãnh đạo huyện, cũng không ít những sự trái mánh không gặp nhau nhưng may một phương án đã được vạch ra và thống nhất.

Chuyện PV viết bài sai, đúng tính sau nhưng phải giải thoát và đưa anh em về an toàn đã. Các bước được tiến hành như Tổ công tác của báo Tiền Phong và lãnh đạo huyện sẽ gặp gỡ với đại diện các ban ngành của xã (khoảng 20 người) của thôn Bàn Mạch và xã Lý Nhân nhằm giải đáp những thắc mắc, ghi nhận những kiến nghị của địa phương. Một nhóm khác sẽ đưa anh em phóng viên ra.

Nhớ vụ vây giữ nhà báo 32 năm trước-Kỳ I: Vây hãm ảnh 2

Tác giả bài viết bên chiếc xe U-oát của cơ quan

Như đã nói, tổ phóng viên báo Tiền Phong có Đào Hóa (PV Báo Nông Dân Việt Nam) tìm đến Bàn Mạch để hỏi cho ra nhẽ tại sao chưa xử lý bọn tham ô ở Bàn Mạch? (như PV Mạnh Việt từng viết bài. Việc làm mạo hiểm vào tận hang cọp như thế hình như giáo trình báo chí điều tra chưa phổ cập trước đó cũng như sau này về cái tính mạo hiểm và mong manh của nó? Thôi vấn đề nghiệp vụ có lẽ còn là phải bàn cãi dài dài?).

Nhưng cái sự vào hang cọp đã diễn ra. Cuộc làm việc thoạt đầu cũng thuận. Có mặt cả Bí thư, Chủ tịch xã. Trước những câu hỏi xốc óc của lãnh đạo xã đại loại: PV Mạnh Việt về Bàn Mạch viết bài thì đã gặp những ai? Lấy tài liệu ở đâu? Ai cung cấp…

Khi tổ PV báo Tiền Phong điềm tĩnh từ tốn dẫn ra những khoản này điều nọ trong Luật Báo chí thì các nhà chức việc Bàn Mạch nổi đóa.

Thời điểm ấy, chả hẹn mà nên. Xuất hiện những tốp người mặt mũi đằng đằng sát khí vây quanh địa điểm làm việc la ó đòi xử lý bọn bồi bút. Rồi trật tự đã không được vãn hồi. Nhóm PV xin phép lui buổi làm việc vào một dịp khác.

Xe vừa ra khỏi trụ sở Ủy ban xã hướng lên mặt đê thì bị tốp người mặt mũi bặm trợn vây chặt. Lái xe Đỗ Hà vừa xuống, bị ôm chặt. Cửa xe bị giật ra một cách thô bạo. Nguyên Bảng, Mạnh Việt, Đào Hóa bị kéo xuống…

Kể lại thì chậm nhưng làm thì nhanh. Mấy anh em bảo nhỏ nhau vùng thoát chạy về phía nhà ông Phùng Văn Lạc (một nhân mối từng cấp tài liệu trước nay cho tổ PV) cách đó không xa.

May nữa, lái xe Đỗ Hà sau đó cũng tìm đường thoát được về nhà ông Lạc. Chiếc xe U-oát thân yêu mà chúng tôi từng rong ruổi Nam Bắc sau đó đã bị chọc xẹp 4 lốp. Đèn pha, xi nhan bị đập, bị tháo mất.

(Tôi tìm thấy những dòng này trong cuốn sổ biên việc của nhà báo Phạm Nguyên Bảng).

Nhớ vụ vây giữ nhà báo 32 năm trước-Kỳ I: Vây hãm ảnh 3
Từ trái sang phải: Phạm Nguyên Bảng, Đỗ Hà (lái xe, thứ 3), Mạnh Việt (thứ 6) và Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Minh (ảnh về một sự kiện khác)

…Đêm dần về sáng. Trời vẫn oi ả. Tôi tụt xuống gác (nói là gác cho sang chứ 4 anh em chúng tôi từ chặp tối đã phải co quắp trên mấy tấm ván gác bắc qua hai thanh xà tít tận sát mái. Một sáng kiến đột xuất của ông Lạc, chủ nhà, rằng vậy cho nó kín!) thì đụng một anh trong tổ bảo vệ.

Tôi thoáng nhận ra Tân, một cựu binh đặc công từng vào sống ra chết tận mặt trận B2 Đồng bằng sông Cửu Long mới quen lúc chặp tối. Tân thầm thì một kế hoạch là sẽ bí mật đưa 4 nhà báo vượt sông Hồng sang đất Sơn Tây. Có thể là ngay đêm nay hoặc đêm mai...

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.