Nhỡ nhàng một cuốn hồi ký

Hai trong số 11 tác phẩm đã xuất bản của học giả Nguyễn Trần Bạt
Hai trong số 11 tác phẩm đã xuất bản của học giả Nguyễn Trần Bạt
TP - Trước khi được học giả Nguyễn Trần Bạt tặng một số tác phẩm của mình, tôi phải mò đến Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn để kiếm. Hồi ấy chưa biết chưa quen Nguyễn Trần Bạt. Nhưng lần năm xa ấy ghé qua NXB, nhà văn Lê Minh Khuê, Trưởng phòng xuất bản thảy ra cuốn Suy tưởng kèm câu chú không đọc thứ này thì phí. Thời này những người viết tâm huyết và trách nhiệm lại uyên bác như thế này hơi bị hiếm!  

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường ngồi bên tủm tỉm như khích lệ thêm cái nhà ông Bạt này như thứ ẩn sĩ giờ mới ló dạng…

Rồi lần ấy khi đã quen biết lẫn làm việc với học giả Nguyễn Trần Bạt, ngồi với nhà văn Tạ Duy Anh tôi quen từ thuở trên Công trường thủy điện Sông Đà. Cơn cớ để ngồi bởi Tạ Duy Anh là người trực tiếp biên tập tất tật 11 cuốn sách của Nguyễn Trần Bạt nổi bật nhất là các cuốn như Văn hóa và con người (2005), Cải cách và sự phát triển (2005), Suy tưởng (2005), Cội nguồn cảm hứng (2008), Đối thoại với tương lai (2010), Vượt qua những giới hạn (2013), Con người là tinh hoa của nhau (2014)... Trước đó tôi có hỏi ông Bạt rằng tại sao tất tật sách của ông đều từ cái cửa NXB Hội Nhà văn là sao? Ông cười, thì cứ thử đọc hết đi đã! Câu hỏi cũng là câu trả lời vậy! Với lại tôi chọn NXB và có duyên gặp…

Một trong cái duyên ấy là Luật sư, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa Nguyễn Trần Bạt đã gặp được nhà văn Tạ Duy Anh!

Có lẽ khỏi nói nhiều về cái anh thợ bê tông Sông Đà mảnh khảnh sau này can dự vào trường văn trận bút rồi nổi tiếng tới mức nhà văn Hoàng Ngọc Hiến đã dùng cụm từ Phải chăng có một nền văn học bước qua lời nguyền? (Bước qua lời nguyền, tên một tác phẩm của Tạ Duy Anh). Câu chuyện với Tạ Duy Anh đưa tôi về cái ngày gặp và vô số các cuộc trao đổi trên điện thoại giữa tác giả với người biên tập. Nghe rồi thấy cái duyên giữa họ với nhau, những ý tưởng gặp nhau cứ gần như… tiền định mà hình như thời buổi này đang thiếu vắng? Vâng, 11 cuốn sách của tác giả, học giả Nguyễn Trần Bạt, theo tạm tính của Tạ Duy Anh hơn 10 ngàn trang gì đó.

Với những bản thảo của ông, chỉ mình tôi được quyền can thiệp (cắt, sửa chữa, đề xuất…). Nếu sau này có nhà sách nào đó muốn tái bản sách của ông, nhất định họ phải được sự đồng ý của tôi, như ông từng công khai yêu cầu.

Nhỡ nhàng một cuốn hồi ký ảnh 1 Học giả Nguyễn Trần Bạt (bên phải) trong lần làm việc cuối cùng với tác giả (tháng 10/2020)

Tất thảy những động thái ấy đều nhằm đến mục tiêu tối thượng, sách của Nguyễn Trần Bạt phải ra được! Phải xuất bản được! Thêm nữa, NXB phải an toàn không bị lườm nguýt hay thổi còi gì?

Thêm chút hoang mang khi nghĩ đến cụm từ của tay đồ tể Tạ Duy Anh từng thao tác những là cắt, sửa chữa, đề xuất… Chao ôi, đã đóng khung cùng là cố hữu một bản tánh mang phong thái Nguyễn Trần Bạt? Những cương cường, gàn, ngông của kẻ sĩ Xứ Nghệ dễ chi để người ta cắt xén, chữa này khác? Phải là cái sự trên cả nhẫn nhịn, nhường chứ nhỉ? Phải là cái sự gặp được tri kỷ tri âm thì mới vậy chứ nhỉ?

Hãy xem Tạ Duy Anh bộc bạch Trước khi tôi bị tái phát căn bệnh đau đầu kinh niên, ông và tôi thường xuyên có những trao đổi qua điện thoại, có cuộc dài hàng tiếng đồng hồ. Thường ông muốn nghe quan điểm của tôi về một sự kiện, một vấn đề chính trị xã hội nào đó…

Sau này Tạ Duy Anh đã thẳng thắn  trong một bài viết, đại loại.

…Sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới đánh giá đúng tầm vóc và mức độ quan trọng của những gì Nguyễn Trần Bạt để lại (11 cuốn sách đã xuất bản mới chỉ là một phần các thành tựu nghiên cứu của ông) cùng với ảnh hưởng tích cực của nó đến tiến trình phát triển đất nước, đến những thay đổi về mặt thể chế, sự điều chỉnh các chính sách, đặc biệt là đến sự hình thành và phát triển lực lượng kinh tế tư nhân cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Ông khẳng định như đinh đóng cột rằng thiếu vắng tự do thì đừng mong đến bất cứ sự phát triển nào, đừng hy vọng có nghệ thuật cùng sự sáng tạo nói chung. Chỉ riêng quan điểm của ông về đối sách với các cường quốc, đã xứng đáng để phong ông là “túi khôn” của thiên hạ.

Chả hạn cái ngày định mệnh 15/12 vừa rồi, một ngày căng chật lịch trình và cường độ làm việc của học giả Nguyễn Trần Bạt. Ông đã thẳng thắn với mấy chuyên gia về tình hình thế giới mà thư ký của ông vừa ghi lại.

Tổng thống Trump đã có công phát hiện ra cái sai của nước Mỹ trong làm ăn với Trung Quốc, nhưng ông ấy lại sai lầm trong việc đánh giá về Trung Quốc. Trung Quốc không phải là bát súp của thế giới, mà là miếng thịt trong các bát súp của các quốc gia khác nhau.

Để thống nhất thế giới trong việc kìm hãm Trung quốc là rất khó, đặc biệt là với một thái độ lộ liễu. Khả dĩ nhất là mỗi một quốc gia phải tìm cách cải thiện kích thước và địa vị của miếng thịt Trung Quốc trong các bát súp của mình”.

Quan sát dư luận ở Việt Nam ông Bạt thấy nhiều người chờ ông Trump thắng với hy vọng ông ấy sẽ khống chế được Trung Quốc (!?) Nhưng ông Bạt bảo “Kỳ vọng như vậy là ảo tưởng. Đừng quên là chúng ta sống bên cạnh Trung Quốc hàng triệu năm nữa nếu trái đất không vỡ. Cho nên, vấn đề không phải là người Việt chờ đợi ai trong số hai ứng cử viên tổng thống Mỹ trúng cử, mà người Việt phải trả lời câu hỏi chúng ta ứng phó với sự thay đổi của thế giới thế nào thông qua việc thay đổi Tổng thống Hoa Kỳ”.

Cũng mới đây thôi, ông đã bàn cùng chị Hương việc khởi thảo cuốn hồi ký… Chất giọng chị Hương thoáng chút băn khoăn. Con người Nguyễn Trần Bạt là con người của công việc, của các ý nghĩ. Sếp không thích kể về cá nhân ông, mà lúc nào cũng muốn kể về những gì ông phát hiện ra khi quan sát cuộc sống. Ông nhiều ý tưởng, và hân hoan chia sẻ về các ý tưởng ấy! Làm sao để có sự nhuần nhuyễn như vi nhiên như nhiên về các ý tưởng trong sự chồng chất các sự kiện cùng mối quan hệ của một người năng động như Nguyễn Trần Bạt?

Chị Hương đang nói cái khó về cuốn hồi ký của một học giả luôn khắt khe với mình, luôn làm mới mình?

Thêm một nỗi bàng hoàng. Cuốn hồi ký ấy đã nhỡ hẹn mất rồi! Tất thảy đã khép lại vào chiều muộn nghiệt ngã 15/12 ấy!

Bàng hoàng, váng vất thêm cái lời nhắn trưa nay của người thư ký mẫn cán.

Sáng nay vừa lần nữa theo băng ca đưa sếp Bạt vào nhà lạnh 108.

Vẫn chưa tiếp nhận được sự thật là sếp đã đi rồi.

Cứ có hồi chuông điện thoại là lại sẵn sàng các ý tưởng trong đầu để làm việc với sếp.

Ý nghĩ thoáng qua: “Chú ấy đi từ bệnh viện về đây rồi, đang gọi cho mình. Chú không thể yên được nếu ngày nay chưa nắm được tin tức và lịch trình. Mình đã sẵn sàng rồi đây.

Tôi nhớ mới đây, tháng 10/2020, và cũng là lần cuối kết thúc công việc với ông Bạt. Tiễn tôi xuống thang gác, chị Trương Thu Hương một trong những thư ký giúp việc đắc lực mẫn cán của học giả Nguyễn Trần Bạt đã bật mí tôi hay về cuốn hồi ký của ông Nguyễn Trần Bạt!

MỚI - NÓNG