Nhờ mang thai hộ: Mất tiền mà vẫn bị “hành”

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Khao khát có một đứa con nhưng khi đã nhiều lần áp dụng đến biện pháp hỗ trợ sinh sản cao nhất là thụ tinh trong ống nghiệm vẫn không thành công, một số gia đình đành tìm đến giải pháp cuối cùng - nhờ mang thai hộ - nhưng rủi ro họ gặp phải vẫn quá lớn. Và chính những người mang thai hộ cũng gặp không ít rủi ro.

Đủ lý do “hành” khổ chủ

Suốt 12 năm, chị Nguyễn Thị Minh Hằng (phố Sơn Tây, quận Ba Đình, Hà Nội) ngược xuôi từ Nam ra Bắc, thậm chí đã có 2 lần sang Thái Lan để chữa vô sinh nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Chị cũng đã hai lần nhờ mang thai hộ nhưng việc muốn có con vẫn không thành.

Chị Hằng chia sẻ: “Suốt 12 năm, tôi không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần mình đi chữa vô sinh. Khi hy vọng tự thân có con là không thể, đã 2 lần tôi nhờ người mang thai hộ nhưng cũng không xong. Người tôi nhờ tên là H, 24 tuổi, làm mẹ đơn thân của con gái 3 tuổi. Lần đầu tiên mang thai hộ cho tôi, cô ấy bị hỏng thai lúc mới 8 tuần. Lần thứ hai khi thai được 5 tuần thì cô ấy liên tục làm khó cho tôi. Khi thì yêu cầu cho về quê vào ngày giữa tuần trong khi vợ chồng tôi rất bận, tôi thuyết phục cuối tuần, cô ấy không chịu. Tôi đành sắp xếp đưa cô ấy về, ở cùng cô ấy 3 ngày. Hai tuần sau, cô ấy lại nói muốn đi Đà Lạt vì sợ sau này sinh con không đi được. Tôi giải thích là trong 3 tháng đầu cần hạn chế đi lại nhưng cô ấy không chịu. H phản ứng vợ chồng tôi bằng cách nhịn ăn, tối không ngủ, ra hành lang đứng và nói là để hít thở không khí trong lành…”.

Cũng theo chị Hằng thì trong suốt thời gian mang thai, không khi nào H để cho chị yên dù đã phải thuê một người giúp việc phục vụ cô ta chuyện ăn uống, ngủ, nghỉ, sinh hoạt, cho ở phòng riêng đẹp nhất trong nhà. “Lần mang thai đầu tiên bị hỏng tôi không nghi ngờ gì. Nhưng đến lần thứ hai tôi tình cờ nghe được câu chuyện của H với “cò” đẻ thuê. Tôi nghe “cò” đẻ thuê nói là: “Em cho ra hơi sớm, lại ngay sau ngày đi Đà Lạt rất dễ bị lộ”- “Chỉ cần sau 2 tháng thôi, được 20 triệu rồi, không để lâu người ta hỏng hết người à”, H ngúng quẩy.

 Lúc đó chân tay tôi rã rời, ngay sau đó thì sự tức giận lên đến tột độ. Tôi không nghĩ vợ chồng mình lại bị một người như H và “cò” lừa đến 2 lần”, chị Hằng bức xúc.

Theo hợp đồng thì chị Hằng phải trả trước 20 triệu đồng khi H đồng ý cho cấy phôi vào người, sau 2 tháng thì trả thêm 30 triệu đồng. Mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt của H đều do vợ chồng chị chi trả. Sau khi sinh con, H nhận về 300 triệu đồng. Như vậy, ước tính trong suốt 9 tháng 10 ngày, vợ chồng chị Hằng mất ngót 500 triệu đồng cho người mang thai hộ.

Sau 2 tháng là… hỏng thai?

Chị Trần Bích Thủy (phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng khẳng định mình đã bị lừa khi nhờ người mang thai hộ. Theo chị Thủy thì: “Kiếm người mang thai hộ cực khó nên chúng tôi đành phải qua dịch vụ.

 Người mang thai hộ cứ sau 2 tháng lại bị hỏng thai và khi đó tôi đã phải trả cho cô ấy 40 triệu đồng/lần rồi. Lần nào cũng vậy, cứ khi mang thai là cô ta bắt đầu đỏng đảnh yêu cầu rất nhiều thứ. Mang thai lần đầu, tôi thuê nhà cho cô ấy ở ngoài, lần thứ hai tôi cho ở trong nhà của tôi. Nhưng cô ấy luôn làm tôi khó chịu, ghét nhất cái tính õng ẹo, hay làm nũng chồng tôi, không coi tôi ra gì. Bữa cơm, cô ấy gắp thức ăn cho chồng tôi, làm ra vẻ thân mật lắm. Hoặc khi thèm món gì đó cứ gọi “anh Hoàng, anh Hoàng” (chồng tôi) nheo nhéo, ngay cả lúc nửa đêm cũng vậy”.

“Tôi sốc nhất là có lần vì không làm theo ý của cô ấy, cô ấy “tra tấn” tôi bằng cách nằm sấp xuống giường hoặc vỗ mạnh tay vào bụng mang thai… Khi thai sang 7 tuần, cô ấy kêu đau bụng rồi bị… hỏng thai. Chúng tôi sẽ vẫn tin cô ấy, nếu không có lần tôi vào thay ga trải giường cô ấy nằm và phát hiện ra dưới đệm có vỏ thuốc Misoclear - loại thuốc dùng để phá thai”, chị Thủy chia sẻ.

Rủi ro phận đẻ thuê

Không chỉ người nhờ mang thai hộ gặp nạn mà trong nhiều trường hợp, chính những người hành nghề mang thai hộ cũng gặp nhiều tủi hổ. Thậm chí, có lúc họ còn gặp phải những tình huống trớ trêu, khóc dở, mếu dở. Phạm Thị Nga (quê ở huyện Tân Yên, Bắc Giang) tâm sự: “Hoàn cảnh của em quá khó khăn, chồng bỏ khi con mới 2 tuổi. Em bế con về với mẹ, hàng xóm xì xào nhiều không chịu nổi, em để con ở quê cho mẹ chăm sóc rồi lên Hà Nội làm giúp việc. Em ở đó được 1 năm thì một buổi tối, chị chủ vào đề nghị em đẻ thuê vì chị ấy không đẻ được. Lúc đó em rất bất ngờ nhưng nghe chị chủ khóc lóc, kể khổ và vì số tiền em nhận được là rất nhiều. Trong suốt thời gian mang thai em được bao trọn gói, sau khi đứa trẻ ra đời em sẽ nhận được một khoản lớn 400 triệu đồng. Cả đời em làm cũng không được, em mất ngủ cả đêm hôm đó, cuối cùng em nhận lời”.

Nhưng bất hạnh lại giáng xuống đầu Nga khi cô có thai được 3 tháng thì vợ chồng ông bà chủ ly hôn, bà chủ đi ra khỏi nhà. Họ không còn quan tâm đến cái thai trong bụng cô nữa. Nga hỏi ông chủ thì ông bảo hỏi bà, lúc hỏi bà thì bà “dí” sang ông. Cái thai trong bụng Nga cứ ngày một lớn dần với đầy tai tiếng. Cô không dám về quê cũng chẳng dám đi đâu vì sợ người ta xì xào đồn thổi.

Trường hợp của chị Đoàn Thị Hạ (huyện Tam Nông, Phú Thọ) cũng gặp chuyện trớ trêu khi mang thai hộ. Chị Hạ thổ lộ: “Trong thời gian tôi mang thai, ông chủ liên tục tìm đến chỗ tôi ở, lúc đầu thì nói thăm nom chăm sóc nhưng lâu dần thì lộ rõ ý định muốn lợi dụng tôi. Đầu tiên là lần vợ ông ấy đi công tác nước ngoài 1 tháng. Ông ấy đến chỗ tôi vào buổi chiều và đến tối vẫn không chịu về. Ông ấy tỏ ra quan tâm chăm sóc tôi, mua đồ ăn, quần áo cho tôi và tối đó ông ấy ngủ lại. Sau lần đó, ông ấy liên tục “qua lại” với tôi. Tôi rất sợ nếu bà chủ phát hiện ra thì chỉ có ông ấy được lợi, còn tôi mang nặng đẻ đau, bị ông chủ lạm dụng có khi còn bị công toi nữa”,

Thực tế tìm hiểu cho thấy, không chỉ mình chị Hạ mà khá nhiều phụ nữ mang thai hộ bị ông chủ cái thai lợi dụng qua mặt vợ để “vui vẻ ngoài luồng”. Không ít người đã bị trận đòn ghen chí mạng, bất chấp cai thai trong bụng là “máu thịt” của chính người gây nên trận đòn ghen đó.

Còn biết bao nhiêu bi kịch đang diễn ra hằng ngày với những người mang thai hộ nhưng một bộ phận phụ nữ vẫn chấp nhận đẻ thuê chỉ vì đồng tiền. Thậm chí, họ bất chấp dư luận, pháp luật và luân thường đạo lý để thực hiện cả những việc  “ngoài mang thai hộ”.

Từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), trong đó có những điều khoản về mang thai hộ đã có hiệu lực. Hy vọng những người hiếm muộn sẽ chấm dứt được “khổ nạn” trên, có được điều mình mong ước.

Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG