Cánh đồng mẫu lớn… đang teo
“Cánh đồng mẫu lớn” hay “Cánh đồng lớn” (CĐL) được hiểu là cánh đồng lúa được nông dân trồng một loại giống lúa mà được doanh nghiệp (DN) cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đồng thời doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm…Đây được xem là “hình mẫu” cho mối liên kết bốn nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học) trong sản xuất - tiêu thụ lúa gạo. Mô hình được thí điểm lần đầu tiên tại vụ Hè Thu năm 2011 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tỉnh Tây Ninh với diện tích liên kết trên 7.800ha, có 6.400 hộ nông dân tham gia. Những năm sau đó, diện tích sản xuất áp dụng mô hình này đã tăng mạnh, đến năm 2014, ở ĐBSCL có 146.000ha, năm 2015 tăng lên gần 200.000ha…
Qua một thời gian phát triển cho thấy, thực tế xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình cánh đồng liên kết chuỗi giá trị là phương thức sản xuất phù hợp, giải pháp tối ưu và là xu thế của ngành hàng lúa gạo nước ta. Mỗi ha lúa tham gia trong CĐL có thể giảm chi phí sản xuất 10-15%, sản lượng tăng 20-25%, thu lãi thêm 2,2-7,5 triệu đồng. Tham gia CĐL, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật, hạn chế rủi ro. Còn DN thì chủ động được nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh…
Tuy nhiên, những năm gần đây, mô hình này đã “teo” dần. Báo cáo gần đây của ngành nông nghiệp tỉnh Long An cho thấy, năm 2020, địa phương này thực hiện được 128 CĐL với diện tích gần 14.000ha (giảm gần 5.000ha so với năm trước), trong khi kế hoạch đề ra là phải có hơn 33.400ha CĐL.Vụ Đông Xuân 2020-2021, tỉnh Long An có 5 doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia mô hình CĐL với diện tích 2.155ha (giảm hơn 6.800ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020). Trước đó, vụ Hè Thu 2020, địa phương này có 14 DN đăng ký thực hiện mô hình. Theo Sở NN&PTNT tỉnh này, diện tích giảm là do thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn, DN thiếu vốn đầu tư, một số DN thay đổi phương thức thực hiện CĐL nên chưa có sự thống nhất về giá thu mua giữa DN và nông dân…
Tiềm ẩn rủi ro, thiếu bền vững
Tại xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, mấy năm trước có 5-7 DN đến liên kết bao tiêu lúa cho nông dân, hiện nay, chỉ còn 1-2 DN đến đặt vấn đề. Một cán bộ tổ kỹ thuật ở xã cho biết, vấn đề chính là nông dân và doanh nghiệp chưa thỏa thuận được giá đầu tư và sản xuất. Trong khi đó, nhà nước chỉ đóng vai trò trung gian, vận động là chính chứ không can thiệp trực tiếp được.
“Vấn đề chính là nông dân bán lúa xong muốn lấy tiền mặt ngay để trang trải nợ nần, nhưng thực tế họ bán xong cầm cái phiếu đợi 5-10 ngày, thậm chí đợi cả tháng trời doanh nghiệp mới trả”, vị cán bộ kỹ thuật nói. Ông Phạm Văn Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phú A ở địa phương này cho biết, nông dân muốn liên kết với DN và phải sòng phẳng về tiền bạc. Thực tế, khi làm ăn được một vụ thì trục trặc nên doanh nghiệp và nông dân “đường ai nấy đi”.
Đại diện một hợp tác xã ở huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cho biết, tham gia CĐL nông dân sẽ được hỗ trợ nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào, sử dụng giống lúa doanh nghiệp cung cấp nên cho năng suất tốt… Tuy nhiên, do cơ cấu giống có khi không phù hợp nên diện tích người dân tham gia đưa vào CĐL không ổn định, có sự tăng giảm theo từng vụ khác nhau. Mặt khác, DN trả tiền chậm trong khi thương lái hoặc là “cò” thì mua lúa trả tiền ngay nên họ thấy dễ làm ăn hơn. Ông Nguyễn Văn Mến (ấp 2, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho hay, trước đây ông bán lúa cho thương lái nên bị lệ thuộc, ép giá. Mấy năm nay ông chuyển sang liên kết với DN để yên tâm đầu ra và đã thực hiện với nhiều DN nhưng trong quá trình hợp tác hai bên không có tiếng nói chung, giá cả và tiền bạc chậm trễ dẫn đến cũng “đường ai nấy đi”.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, đây là mô hình cánh đồng liên kết cần thiết và hiệu quả nhưng lại không mở rộng diện tích được, vì doanh nghiệp xuất khẩu gạo không có vốn để thực hiện mô hình. Khi đã không liên kết thì việc doanh nghiệp tranh mua tranh bán để xoay vòng vốn là lẽ đương nhiên.
Nói suông nhiều, doanh nghiệp cũng ép giá
Một lãnh đạo tỉnh ở ĐBSCL nêu nhận xét: Chính tư duy “thương vụ và mùa vụ” của những người trong cuộc đã khiến mối liên kết này không bền vững, dẫn đến mô hình CĐL không phát huy được hiệu quả. Cụ thể như vụ Đông Xuân là vụ lúa có chất lượng gạo tốt nhất trong năm, DN tranh thủ ký hợp đồng liên kết thu mua cho nông dân, nhưng khi bước sang vụ Hè Thu, chất lượng gạo xấu thì DN “trốn”...
Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời nói: Chúng tôi là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện mô hình CĐL, diện tích tham gia CĐL của Tập đoàn Lộc Trời năm 2015 lên đến 90.000ha, nhưng đến năm 2019 chỉ còn khoảng 30.000 ha. Nguyên nhân là do nhiều người tham gia mô hình này “nói suông” nhiều quá, khi phát động thì hô hào rất to nhưng lại không có kế hoạch rõ ràng.
GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nêu lý do quan trọng nhất dẫn đến sự thất bại của mô hình CĐL là thiếu đầu ra. Mô hình CĐL muốn thành công phải xuất phát từ thị trường.