Hồi ức về con đường năm ấy…
Đầu tháng ba, tôi có dịp gặp bà Nguyễn Bích Hậu, một nhà báo thuộc thế hệ đầu của báo Tiền Phong, một cựu TNXP từng tham gia mở đường chiến lược 12B năm xưa. Nhắc tới con đường huyền thoại này, cựu TNXP Bích Hậu cho biết, đầu năm 1959, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định giao cho TƯ Đoàn TNLĐ VN (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tổ chức lực lượng, phối hợp triển khai xây dựng tuyến đường chiến lược 12B tại tỉnh Hòa Bình, gấp rút hoàn thành trong năm 1959. “Nếu muốn rõ hơn về xây dựng đường 12B, cần gặp ông Phan Thương Diễm, một trong những lãnh đạo chủ chốt của công trường. Ông Diễm từng là đại đội trưởng Đại đội 206, về sau được đề bạt làm Bí thư Đoàn Thanh niên kiêm Trưởng ban Tuyên huấn của Công trường 12B” - cựu TNXP Bích Hậu cho biết.
Các cựu TNXP Phan Thương Diễm và Nguyễn Bích Hậu xem cuốn kỷ yếu “Bắt núi cúi đầu” xuất bản nhân kỷ niệm 60 năm xây dựng đường 12B. Ảnh: KIẾN NGHĨA
Loanh quanh tại khu Đồng Xa (Cầu Giấy, Hà Nội) một hồi, chúng tôi mới tìm được nhà ông Phan Thương Diễm. Ông Diễm nay đã 91 tuổi, vui mừng khi gặp lại đồng đội Bích Hậu năm xưa. Ông cho biết, đầu năm 1959, ông là một trong những cán bộ được Trung ương Đoàn cử làm cán bộ phụ trách lực lượng TNXP xây dựng tuyến đường 12B. Lực lượng này gồm hơn 4 ngàn đoàn viên, thanh niên của 14 tỉnh, thành phố của miền Bắc, được Trung ương Đoàn đặt phiên hiệu là “Đội TNXP xây dựng Xã hội chủ nghĩa 12B Hòa Bình”. So với “Con đường Hạnh Phúc” tại tỉnh Hà Giang được khởi công tháng 9/1959, đường 12B khởi công tháng 2/1959 là công trình đầu tiên của lực lượng TNXP. “Đường 12B được mở dài gần 50km, nằm dọc trên địa bàn huyện Kim Bôi (Hòa Bình), từ dốc Cun đến ngã ba Hàng Đồi. Đây là tuyến đường chiến lược, một phía nối với Quốc lộ 6 lên biên giới phía Bắc và phục vụ An toàn khu (ATK) tại Hòa Bình, còn phía đường kia kết nối với Quốc lộ 21 để vào đường Trường Sơn phục vụ chiến trường miền Nam. Việc làm đường 12B cùng năm với việc mở đường Trường Sơn càng cho thấy tầm quan trọng của tuyến đường này” - ông Diễm cho biết.
Chi đoàn Đại đội 206 tại Công trường 12B. Ảnh: T.L
Ngày ấy, đường 12B đi qua vùng núi hoang sơ với những địa danh nổi tiếng là rừng thiêng nước độc như Kim Bôi, Hạ Bì. Đường không có nền đất cũ, chỉ có đường mòn cho người và ngựa thồ đi. Vì vậy, người xưa mới có câu: “Yêu nhau cho thịt cho xôi/Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì”. Nhưng chẳng xá “lời nguyền” xưa ấy, hơn 4 ngàn TNXP nhanh chóng được phân thành các đại đội để bắt tay vào công việc. “Lúc đó làm đường chỉ có các dụng cụ thô sơ, nên chúng tôi phải phá đá, bạt đồi bằng búa, cuốc xẻng và vận chuyển đất đá bằng quang gánh. Không ít đồng đội ban ngày đi làm, đêm về đau nhức, có người chỉ dám khóc thầm vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần anh em” - cựu TNXP Phan Thương Diễm cho biết. Rồi ông chia sẻ thêm, sau này, khi Đoàn Thanh niên Công trường 12B phát động phong trào giải phóng đôi vai, lực lượng TNXP đã sáng tạo ra chiếc xe cút kít có gắn vòng bi vào trục bánh xe. Đây là hình ảnh đại diện cho sự sáng tạo trong lao động trên Công trường 12B, nhờ đó việc vận chuyển đất đá tăng gấp 5-6 lần.
Tháng ngày không quên
Cựu TNXP Bích Hậu chia sẻ, bên cạnh sự nỗ lực chung của các TNXP trên công trường 12B, thì các nữ TNXP còn có những vượt khó riêng. “Đơn cử như trung đội tôi (thuộc đại đội 206) gồm toàn nữ giới. Thời gian đầu lao động tại công trường, mỗi khi chị em “đến tháng” đều gặp khó trong việc thay rửa vì không có nhà tắm. Trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi đã nghĩ ra cách làm phòng tắm di động. Vào buổi trưa, khi tiếng còi báo nghỉ vang lên, trung đội tôi nhanh chóng tập hợp gần bờ suối. Tất cả khoác tay nhau kết thành vòng tròn khép kín, cùng quay mặt ra ngoài, để người đang có “hoàn cảnh” nhanh chóng lấy nước dưới suối rồi vào “nhà tắm” - cựu TNXP Bích Hậu cho biết. Rồi bà kể thêm, những đội viên nữ ban ngày làm việc hăng say là thế, nhưng khi đêm xuống có người lại sợ ma, ngay tiếng chim lạ cũng khiến họ sợ hãi. Mỗi lúc như thế, các TNXP đã xích lại gần nhau để trấn an nỗi sợ, hoặc cùng nhau xua chim đi chỗ khác.
Sau gần một năm thi công, cuối năm 1959, đường 12B đã hoàn thành. Ngày 31/12/1959, tại lễ thông xe tuyến đường, đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn TNLĐ VN đã phát biểu: “Việc xây dựng đường 12B đã làm tốt được hai việc lớn: Được con đường và được con người”. Lời nói đó ứng với rất nhiều TNXP, khi sau lễ thông xe họ đã thực sự trưởng thành, được cử đi làm những công việc khác nhau, và không ít người đã thành công với công việc của mình. Như ông Phan Thương Diễm được cử về làm Tổng Biên tập báo Hòa Bình, bà Nguyễn Bích Hậu được điều về làm việc tại báo Tiền Phong…
Trên công trường 12B, đã có những TNXP ngã xuống vì tai nạn lao động. Ngày ấy, nhiều TNXP tại công trường đau xót trước tai nạn của đồng đội Trần Văn Hường của Đại đội 202. Trong quá trình làm đường, một khối đất lớn bất ngờ lở xuống đè lên người anh. Đồng đội vội tới bới đất cứu Trần Văn Hường để đưa đi cấp cứu, nhưng anh không qua khỏi. “Ngoài đồng đội Hường, trong quá trình làm đường còn 5 đồng đội khác của chúng tôi cũng ngã xuống vì tai nạn lao động, vì sốt rét ác tính”- cựu TNXP Bích Hậu xúc động nhớ lại.
Trong quá trình nói chuyện, hai cựu TNXP Phan Thương Diễm và Nguyễn Bích Hậu có dịp xem lại cuốn kỷ yếu “Bắt núi cúi đầu” do Nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành, nhân kỷ niệm 60 năm (2019) hoàn thành tuyến đường 12B. Ông Diễm bồi hồi đọc lại bài thơ “Một thời để nhớ” do ông sáng tác, in trong cuốn kỷ yếu: “Thơm chi bằng hoa Lý/Thắm chi bằng hoa Hồng/Nhưng hoa chiến sỹ công trường 12B thì “Hồng” vẫn thua sắc thắm/”Lý” nhường mùi thơm…”. “Bài thơ này tôi viết để tặng các đội viên ưu tú của công trường 12B, trong đó có chị Bích Hậu. Bởi sau khi tuyến đườnghoàn thành, họ được về dự Đại hội “Những người lao động giỏi toàn miền Bắc” tại Hà Nội năm 1960” - ông Diễm cho biết.