'Nhìn Thanh Tùng chật vật ngồi xe lăn mà ứa nước mắt'

'Nhìn Thanh Tùng chật vật ngồi xe lăn mà ứa nước mắt'
“Dù biết Thanh Tùng đau ốm gần 10 năm nay, nhưng nghe tin anh “về hư không”, tôi không tin được. Anh em chúng tôi vẫn nghĩ anh Thanh Tùng đang đi chơi đâu đó...”, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha bùi ngùi chia sẻ trước sự ra đi của người bạn thân thiết.

“Tôi vẫn nghĩ Thanh Tùng đi chơi đâu đó”

“Sau tai biến, Thanh Tùng không đi lại được. Có lần, tôi cùng Tôn Thất Lập đến thăm, nhìn anh đau ốm chật vật ngồi xe lăn, nói năng khó khăn mà ứa nước mắt”, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, một trong những người bạn thân thiết, người viết kịch bản, viết lời bình cho nhiều đêm nhạc Thanh Tùng hụt hẫng trước sự ra đi của tác giả “Chuyện tình của biển”.

Nhạc sỹ Thụy Kha cho rằng sự ra đi của nhạc sỹ Thanh Tùng là tổn thất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung, nhạc nhẹ nói riêng. Đối với nhiều đồng nghiệp, không còn người bạn Thanh Tùng bên cạnh đã để lại sự trống vắng không thể bù đắp.

'Nhìn Thanh Tùng chật vật ngồi xe lăn mà ứa nước mắt' ảnh 1

Nhạc sỹ Thanh Tùng và Trịnh Công Sơn (ảnh TL)

Đối với cá nhân nhạc sỹ Thụy Kha, Thanh Tùng là người bạn thân thiết, giao lưu gắn bó với nhiều kỷ niệm, nhất là những năm tháng ở Hải Phòng. “Thanh Tùng là người vui vẻ và nóng tính. Khoảng thời gian Thanh Tùng học phổ thông tại trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng, chúng tôi vẫn cùng nhau đá bóng, hát hò”, nhạc sỹ gốc Hải Phòng kể.

Đến năm vào đại học, khi Thụy Kha học Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc thì Thanh Tùng sang Triều Tiên học luyện kim, sau chuyển sang học Nhạc viện Âm nhạc Bình Nhưỡng. Về nước, Thanh Tùng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Sau khi ra trường, tôi đi bộ đội. Trong những năm tháng cuối cùng ở Trường Sơn, tôi thường nghe qua đài Lido của đơn vị, những chuyển soạn ca khúc thành nhạc không lời mang đậm chất nhạc nhẹ của Thanh Tùng như “Con kênh xanh xanh” (Ngô Huỳnh), “Cánh chim báo tin vui” (Đàm Thanh)… Tôi vẫn tự hỏi, có phải sáng tác của người bạn Thanh Tùng mà mình quen biết hay không?”, nhạc sỹ Thụy Kha nhớ lại.

Sau giải phóng, nhạc sỹ Thanh Tùng làm việc tại Sài Gòn. Sáng tác đầu tay của ông, “Cây sầu riêng trổ bông” rất được các nghệ sỹ yêu thích, đặc biệt là “hot” khi qua tiếng hát của ca sỹ Ngọc Tân. Sau đó một loạt ca khúc hay khác của Thanh Tùng ra đời như: “Chuyện tình của biển”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Ngôi sao cô đơn”, “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Hát với chú ve con”, “Phố biển”… qua tiếng hát của Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh...

“Tôi vẫn nhớ những lần chúng tôi ngồi tụ tập ở quán của nhạc sỹ Từ Huy, số 7 đường Nguyễn Văn Chiêm, Quận 1 (thuộc khuôn viên nhà Văn hóa Thanh niên). Anh em chúng tôi trò chuyện rất vui. Sau này, một số chương trình của Thanh Tùng do tôi viết kịch bản và lời bình...”, nhạc sỹ Thụy Kha nhớ lại.

Ông cũng chia sẻ thêm, Thanh Tùng khi chỉ là một nhạc sỹ hào hoa với những ca khúc được khán giả yêu thích mà ông còn là một doanh nhân năng động khi "dấn thân" vào kinh doanh nhà hàng, sử dụng người phục vụ là những cặp song sinh...

“Chuyện tình của biển” là sáng tác đỉnh cao của Thanh Tùng

Nhạc sỹ Thụy Kha cho rằng, nhiều sáng tác của Thanh Tùng không chỉ khán giả yêu thích mà đồng nghiệp cũng đánh giá cao mà đỉnh cao là ca khúc “Chuyện tình của biển”: “Lúc sinh thời, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, Văn Cao cũng đánh giá cao ca khúc “Chuyện tình của biển” của Thanh Tùng. Ca khúc khai thác một đề tài cũ nhưng Thanh Tùng sáng tạo khi trộn được cái màu sắc huyền thoại và thực tế”

'Nhìn Thanh Tùng chật vật ngồi xe lăn mà ứa nước mắt' ảnh 2

Hình ảnh người vợ quá cố của nhạc sỹ Thanh Tùng trên sân khấu (Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội)

Theo Thụy Kha, ca từ ca khúc cũng rất hay: “Ngày xưa, biển không có cát như bây giờ /Ngày xưa, biển không có sóng vỗ bờ ... Và gió, gió hát thật hay/ Và mây, mây trôi thật hiền /Biển ngây thơ, và biển không như bây giờ...Rồi một ngày em đến, biển hát em nghe ,bài hát có đôi câu chuyện buồn /Rồi một ngày em đến, biển hát em nghe, bài hát có những niềm vui thật vui /Rồi một ngày em vắng, làn gió nhớ tóc ai, bờ cát nhớ chân ai, để sóng hát ru miệt mài /Rồi một ngày em vắng, biển nhớ mong ai, biển thức đã bao đêm, biển thấy trong mình có một trái tim...”Về điểm này, nhạc sỹ Thanh Tùng có nhiều điểm tương đồng với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

“Đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, khi nhạc hải ngoại tràn vào Việt Nam gây nên cơn sốt trong công chúng thưởng thức, Thanh Tùng đã tham gia nhóm “Những người bạn” gồm nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên. Nhóm nhạc nói chung và Thanh Tùng nói riêng đã góp phần không nhỏ vào việc cân bằng và có ảnh hưởng tích cực đến khán giả trong và ngoài nước. Có thể thời gian hoạt động chung và thường xuyên chia sẻ với Trịnh Công Sơn nên các sáng tác của Thanh Tùng ca từ đều hay, thoảng có nét tương đồng với Trịnh”, Thụy Kha lý giải.

Vị nhạc sỹ cho biết, Thanh Tùng luôn “mang nợ Hà Nội”, vì nơi đó là quê hương của người bạn đời bạc mệnh. Chính vì thế Thanh Tùng có ca khúc đầy rung động “Lối cũ ta về”. “Lối cũ ta về dường như nhỏ lại /Trời xanh xanh mãi một màu ấu thơ /Lối cũ ta về, vườn xưa có còn /Hoàng hôn buông xuống thoảng hương ngọc lan...Dù cho bên anh nay em không còn nữa/ Biết chăng trong con tim anh luôn hằng nhớ/ Người yêu ơi nay em đã bỏ anh đi /Sao em nỡ bỏ anh đi mãi...” Ca khúc là những dồn nén tình cảm vị nhạc sỹ gốc Khánh Hòa dành cho người vợ đầu gối tay ấp, người mà ông có mối tình lãng mạn, nguyện vì bà mà sống cảnh gà trống nuôi con.

“Một mình”, ca khúc gây ấn tượng mạnh với nhiều người được Thanh Tùng sáng tác sau khi vợ mất, năm ông 40 tuổi. "Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên. Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên. Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Ðêm nay tôi lại một mình..."

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG