Nhìn lưỡi, phát hiện bệnh lý đáng ngại của cơ thể
> Nhìn móng tay, đoán bệnh ở tim, gan, phổi
Chỉ cần nhìn vào lưỡi, chúng ta có thể thấy được những dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang bất ổn.
Lưỡi bị viêm đau
Lưỡi của chúng ta được bao phủ bởi nhú và gai lưỡi, rất nhiều trong số đó chứa “chồi vị giác”. Nhú và gai lưỡi có thể tạm thời bị viêm và đau, đặc biệt khi chúng ta vô tình cắn vào lưỡi.
Khi trên lưỡi xuất hiện những nốt sưng tấy, đó có thể là triệu chứng cho thấy bạn bị loét niêm mạc miệng. Những vết loét này thường xảy ra khi chúng ta bị cảm sốt. Người bị loét niêm mạc miệng sẽ cảm thấy đau, tuy nhiên vết loét sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần đến 10 ngày. Nếu vết loét xuất hiện trong thời gian dài, đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư miệng, lúc đó bạn nên đến gặp bác sĩ.
Lưỡi phủ một lớp màu trắng
Nếu lưỡi phủ một lớp màu trắng sền sệt, đó là dấu hiệu cảnh báo lưỡi của bạn bị nhiễm trùng hoặc bạn đang bị bệnh viêm do tự miễn. Ngoài ra, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tưa miệng hoặc nấm candida. Khi bị nhiễm nấm, bạn có thể áp dụng những cách điều trị đơn giản như ăn sữa chua để “thu nạp” những vi khuẩn đường miệng có lợi.
Nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị chứng bạch sản - một dạng bệnh tiền ung thư gây những đốm trắng trong miệng, thường thấy ở những người hay hút thuốc lá.
Lưỡi “mọc lông”
Miệng khô là một trong những nguyên nhân khiến nhú lưỡi mọc dài ra, thường xảy ra qua đêm, tạo cảm giác trên lưỡi “có lông”.
Nhú hình chỉ (1 trong 4 loại nhú trên lưỡi) có chứa keratin – chất có trong tóc, dù nhú chỉ trông giống tóc trong giai đoạn tăng trưởng đột ngột. Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc uống thuốc kháng sinh cũng có thể khiến nhú hình chỉ phát triển.
Lưỡi vàng
Nhiễm trùng miệng do vi khuẩn hoặc nấm đôi khi có thể khiến lưỡi chuyển màu hơi vàng. Ngoài ra, lưỡi vàng cũng có thể do bạn bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Lưỡi có vết như hình bản đồ
Khi trên lưỡi có những vết như hình bản đồ, viền màu trắng, phía trong đỏ đậm hơn màu lưỡi bình thường và dần dần loang rộng ra, đó là khi bạn bị bệnh viêm lưỡi bản đồ. Đây không phải là một bệnh lý nghiêm trọng. Những vết thương tổn có thể thay đổi về hình dạng, kích cỡ và vị trí theo từng ngày, thậm chí là từng giờ.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra chứng bệnh, tuy nhiên có thể bệnh sử gia đình cùng với bệnh tiểu đường, căng thẳng, dị ứng và sử dụng thuốc tránh thai loại uống là một số lý do. Chứng bệnh này không liên quan đến nhiễm trùng hay ung thư.
Lưỡi nóng rát
Hội chứng nóng rát miệng chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh. Có thể nguyên nhân của chứng bệnh là do những thay đổi thần kinh liên quan đến hormone. Căn bệnh này có thể liên quan đến việc nhiễm trùng do vi khuẩn, khô miệng hoặc các vấn đề dinh dưỡng.
Khi bị bệnh, bệnh nhân có thể uống thuốc chống lo âu, trầm cảm, nhai kẹo cao su và uống nước để bệnh thuyên giảm. Nếu lưỡi nóng rát, cũng có thể bạn bị chứng đau lưỡi, chứng bệnh liên quan đến việc sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc chữa bệnh tiểu đường và huyết áp.
Lưỡi nhợt nhạt
Đó là biểu hiện của việc bạn bị thiếu máu. Lưỡi trông nhợt nhạt vì máu thiếu chất sắt và không mang đủ oxy tới miệng để giữ cho các mô (trong đó có lưỡi) hồng hào.
Lưỡi nứt nẻ
Khi đó, lưỡi trông nhăn nheo và có rãnh. Hầu hết mọi người có chứng bệnh này là do bẩm sinh. Lưỡi nứt nẻ có thể xuất hiện cùng lúc với triệu chứng lưỡi có những vết như hình bản đồ.
Ngoài ra, triệu chứng này có khả năng xuất hiện ở những đứa trẻ bị hội chứng Down. Tuy triệu chứng này sẽ kéo dài cả đời, nó không phải là một biểu hiện bệnh lý đáng ngại.
Nguyễn Ngọc Khanh
Theo Health, Bee