6 “Hổ” lớn nhất bị quật ngã (từ trên xuống, từ trái qua là Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài và Lệnh Kế Hoạch.
140 con “Hổ” bị quật ngã
Ngày 14/11/2012, Đại hội 18 bế mạc, bầu ra ban lãnh đạo mới gồm 200 Ủy viên trung ương chính thức và 170 Ủy viên dự khuyết. Chỉ 20 ngày sau, ngày 6/12 đã có con “Hổ” đầu tiên bị “đả”: Lý Xuân Thành, Ủy viên trung ương dự khuyết, Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên bị điều tra vì “có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”; chính thức mở đầu cuộc chiến “đả Hổ” cam go, quyết liệt… Tính đến ngày 23/9, đã có tổng cộng 140 con “Hổ” bị quật ngã, trong đó có 1 cấp trưởng nhà nước, 4 cấp phó nhà nước (Trung Quốc gọi là “chính quốc cấp” và “phó quốc cấp”). 4 “phó quốc cấp” là các nguyên Phó chủ tịch Quân uy Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Phó chủ tịch Chính Hiệp Tô Vinh, Phó chủ tịch Chính Hiệp kiêm Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương Lệnh Kế Hoạch.
Quan tham bậc “Chính quốc cấp” duy nhất bị trừng trị chính là Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa 17 bị quật ngã ngày 29/7/2014 và nhận mức án tù chung thân. Còn “Hổ” đương chức có cấp bậc cao nhất chính là Tôn Chính Tài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh, bị quật ngã ngày 24/7/2017. Ngoài ra, còn có hai nhân vật quan trọng khác đang có dấu hiệu cho thấy đã bị quật ngã, nhưng chưa được công bố chính thức là các Ủy viên Quân ủy đương nhiệm Phòng Phong Huy, Chủ nhiệm Hội đồng Tham mưu trưởng Quân ủy và Trương Dương, Chủ nhiệm Bộ công tác chính trị Quân ủy đều bị thay thế bất ngờ hồi tháng 8/2017 rồi “mất tích” và không có tên trong danh sách đại biểu dự Đại hội 19. Báo chí Hoa ngữ hải ngoại đều đưa tin hai người đang bị điều tra vì liên quan đến các “Hổ” Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Có tổng số 40 ủy viên Trung ương (UVTW) và UVTW dự khuyết (chiếm hơn 1/10 tổng số) và 8/130 Ủy viên Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) đã bị điều tra, xử lý kỷ luật, đã và sắp bị đưa ra xét xử. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 6 có tổng số hơn 280 cán bộ diện trung ương quản lý, hơn 8.600 cán bộ cấp Sở, Cục đã bị điều tra, xử lý.
Về phía quan chức địa phương, con “Hổ” cấp Bí thư tỉnh ủy đầu tiên bị hạ là Chu Bản Thuận, UVTW, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc (ngày 24/7/2015); tỉnh trưởng đầu tiên bị quật ngã là Tô Thụ Lâm, UVTW, tỉnh trưởng Phúc Kiến (ngày 7/10/2015). Ngày 10/11/2015, Phó thị trưởng Thượng Hải Ngải Bảo Tuấn bị quật ngã, được báo chí gọi là “Hổ lớn Thượng Hải”; một ngày sau đó đến lượt “Hổ lớn Bắc Kinh” Lã Tích Văn, Phó Bí thư thành ủy Bắc Kinh bị điều tra.
Trong số các quan chức bị quật ngã, có 2 người bị chết trong quá trình đang điều tra, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự là Từ Tài Hậu, được thông báo là chết vì ung thư bàng quang ngày 15/3/2015. Sau khi ông ta chết, Viện Kiểm sát quân sự đã ra quyết định không khởi tố, nhưng những khoản thu nhập bất hợp pháp vẫn bị xử lý theo pháp luật. Người thứ hai là Nhiệm Nhuận Hậu, Phó tỉnh trưởng Sơn Tây bị tuyên bố điều tra ngày 29/8/2014, nhưng một tháng sau thì bị chết, sau khi chết vẫn bị tuyên bố khai trừ đảng tịch, ông ta cũng là con “Hổ” duy nhất bị công bố phạm tội đưa hối lộ.
Về nhịp độ cuộc chiến “đả Hổ”, theo số liệu thống kê, tháng 7/2017 mạnh nhất với 7 người bị quật ngã; tiếp đó là các tháng 6,7/2014 và tháng 4/2017: 6 người; các tháng 12/2013, 8/2014, 3 và 11/2015, các tháng 1,3,4/2016 mỗi tháng 5 người… Tính theo địa phương thì Sơn Tây là tỉnh có số quan đầu tỉnh bị hạ nhiều nhất tới 7 người, tiếp đó là Liêu Ninh, Tứ Xuyên và Giang Tây…
“Đập Ruồi” không ngưng nghỉ
So với “đả Hổ”, cuộc chiến “đập Ruồi” không kém phần quyết liệt. Theo báo Thanh niên Trung Quốc ngày 11/10/2017, tính đến cuối tháng 6/2017 đã có 66 ngàn cán bộ cấp huyện bị điều tra; 1 triệu 343 ngàn đảng viên là cán bộ cấp phòng, ban và 648 ngàn cán bộ đảng viên ở nông thôn bị xử lý kỷ luật.
Về cuộc chiến “săn cáo” và “truy đào truy tang” (bắt tội phạm bỏ trốn, thu hồi tang vật): thông qua các chiến dịch “Thiên võng” (Lưới trời) đã bắt được tổng cộng 3.339 phần tử trốn truy nã từ hơn 90 quốc gia và khu vực đưa về quy án; trong đó có 46 người trong “Danh sách 100 người bị truy nã đỏ quốc tế”; thu hồi được tổng cộng hơn 9 tỷ 360 triệu NDT.
Về hoạt động “tuần thị, tuần sát” (thanh tra, kiểm tra): Ban thường vụ Bộ chính trị và Bộ chính trị đã tổ chức 23 hội nghị nghiên cứu và thẩm định báo cáo thanh tra, kiểm tra. Các Tổ tuần thị trung ương đã họp 115 hội nghị chuyên đề về công tác thanh tra; tiến hành 12 đợt thanh tra 277 tổ chức đảng, tái thanh tra 16 tỉnh, thành; đột kích thanh tra 4 đơn vị trung ương; lần đầu tiên thực hiện “thanh tra phủ kín” trong một nhiệm kỳ. Theo thống kê, có tới hơn 60% số vụ án tham nhũng do UBKTKLTW khóa 18 xử lý được phát hiện qua các cuộc “tuần thị”. Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra của các tổ tuần thị; cơ quan UBKTKL các cấp đã lập hồ sơ điều tra xử lý 1.225 cán bộ cấp sở, cục và 8.684 cán bộ cấp huyện, phòng.
Tính đến cuối tháng 8/2017, cơ quan giám sát và kiểm tra kỷ luật các cấp đã phát hiện, xử lý 1 triệu 843 ngàn vụ vi phạm “8 điều quy định” của trung ương, xử lý 2 triệu 502 ngàn đảng viên; kỷ luật đảng 1 triệu 361 ngàn đảng viên với các mức khác nhau.