Nhà thơ nhà báo, khán giả Văn Công Hùng cho rằng đi bão vì những thành tích như thắng Campuchia, thì nó nằm ngoài bóng đá. ảnh: NVCC
Anh có xem báo chí đưa hình ảnh thương binh và người giả dạng thương binh đại náo trụ sở VFF để mua vé bóng đá? Hàng trăm người xô cửa, xô hàng rào cảnh sát cơ động gây hỗn loạn. Phóng xe lam ba bánh dàn thành đội hình thị uy. Lao xe vào trụ sở cơ quan, mắc võng ngủ trên xe trong khi chờ có được tấm vé. Ăn uống tại trận xong vứt rác la liệt khuôn viên trụ sở Liên đoàn Bóng đá…?
Tôi có xem. Nhìn cảnh ấy mà thương cho bóng đá nước nhà.
Những hành động ấy, nó không phải là tình yêu bóng đá. Bởi bóng đá là văn hóa, phải có văn hóa chứ không phải cảnh nhếch nhác đến bạo lực như thế.
Tôi cũng rất yêu bóng đá nhưng thà ngồi nhà xem ti vi. Tôi cảm phục các cổ động viên thức đêm xếp hàng mua vé nhưng cũng ngạc nhiên sao giờ này vẫn còn cung cách giống cái thời cách đây ba bốn chục năm thế hệ chúng tôi xếp hàng mua vé xem phim hay, như thế.
Để được xem một trận bóng tức tham gia vào một hoạt động văn hóa mà phải hành nhau, tự hành mình đến như thế, tôi thấy khổ quá. Để thỏa mãn đam mê mà phải khổ đến thế, có đáng không nhỉ?
Đến lúc thấy cảnh những người mang danh thương binh bày bia rượu ra uống tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thì tôi lờ mờ nhận ra, hình như không phải là tình yêu bóng đá đơn thuần nữa rồi, mà như sự hả hê, trêu tức, cố tình phạm luật để trả đũa. Đó không phải là tinh thần bóng đá mà là phản ứng tiêu cực, cổ vũ một thứ bóng đá xấu xí.
“Nhiều nhà báo viết bóng đá hay bình luận kiểu “đổ thừa”. Hai đội đá cùng sân nhưng ta thua thì do sân xấu, do hướng gió, do mưa do nắng, vân vân. Sân xấu áp lực mà sân hiện đại quá cũng áp lực. Bình luận kém thì dễ tạo sự khó chịu cho người xem. Từ ức chế với bình luận viên dẫn đến ức chế với cầu thủ và đội tuyển”.
Nhà báo VĂN CÔNG HÙNG
Nhưng mặt nào đấy chúng ta cũng phải xem lại, vì sao họ làm thế. Họ cũng biết thế là sai chứ, là đánh mất hình ảnh của mình chứ? Một số bạn tôi là cựu binh và thương binh có nhiều ý kiến phân tích nghe có vẻ hợp lý.
Thương binh (thật hay giả) nại lý do họ không biết mua vé qua mạng nên đòi mua trực tiếp đó anh. Bên Malaysia, ngoài bán trên mạng thì ban tổ chức cũng vẫn phải bán trực tiếp qua xếp hàng. Các bạn cựu binh của anh phân tích ra sao về hiện tượng này, muốn xử trí ra sao? Quả tình đọc cái công văn VFF cầu cứu Bộ Tư lệnh Thủ đô và Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, mà cám cảnh. Tôi nghĩ những cựu binh, thương binh chân chính, họ khó mà đồng tình với hành động như thế.
Bạn bè cựu binh của tôi nhiều người bảo đấy không phải là thương binh. Thương binh thứ thiệt họ không làm thế! Một số bạn lại bảo đói thì đầu gối phải bò, túng thì phải tính. Một cái vé nếu mua được, bán lãi mấy lần. Mà kiểu bán vé bùng nhùng của VFF khiến họ không phục.
Tôi cho rằng đây là hành động xấu xí phản cảm, nhất là cảnh “ăn mừng chiến thắng” ngay trong sân VFF, xong rồi để lại “trận địa” ngổn ngang thức ăn thừa và vỏ hộp, xương xẩu…
Với lại, thương binh thì cả nước này có, đâu phải mình Hà Nội.
Thấy anh viết trên trang cá nhân rằng: “Hôm nọ đá ở Philipines, truyền thông nói cầu thủ bị áp lực vì phải đá ở sân cấp huyện. Hôm nay cũng các bạn ấy lại bảo sân rộng quá hiện đại quá khiến cầu thủ ta bị áp lực”.
Nghe một số bình luận viên tường thuật bóng đá, tôi rút ra vài qui luật, ví dụ: Vừa vào trận đã nức nở khen đội bạn thể lực thể hình tốt, khen một số thứ khác, để ngầm tố khổ hộ đội nhà- phải chiến đấu nhọc nhằn thế nào, và nếu chiến thắng thì vĩ đại ra sao. Còn thua thì như đương nhiên.
Trong một động thái ngược lại, một số bình luận viên lại hay bốc thơm đội nhà sớm quá. Đang đá đấm còn lâu mới hết trận mà khen đứt lưỡi về chiến lược chiến thuật, kỹ thuật... Sao không chờ vãn cuộc khen một thể, còn kịp. Có kiêng có lành. Nói trước bước không qua. Mỗi khi nghe thấy kiểu bình luận như vậy tôi chỉ muốn nói “phỉ thui” . Và y như rằng chưa dứt lời xưng tụng thì đội nhà phạm ngay sai lầm hoặc để đội bạn tận dụng sơ hở chơi cho một vố! Có phải hố không.
Nói chung văn hóa bình luận bóng đá của ta cũng vấn đề chẳng kém tiết mục ăn mừng cổ vũ, thưởng thức? Văn hóa của bình luận viên, báo chí và cả người hâm mộ nữa?
Truyền thông nước nhà đang góp phần làm hỏng bóng đá Việt bằng những bình luận vô căn cứ trước, trong và sau trận đấu. Chẳng hạn: họ bị áp lực phải cập nhật tin bài, phải cử phóng viên sang sân khách trước cả tuần, nên là soi mói mọi ngõ ngách, không cho cầu thủ nghỉ ngơi, bắt họ thức mọi nơi mọi chỗ.
Khai thác đời tư cầu thủ thì quá mức, khiến họ và gia đình khó mà yên. Rồi hứng lên thì đưa đội nhà lên mây xanh khiến cầu thủ dễ mà lơ lửng, mãi không xuống được. Hoặc khen quá lời làm họ xấu hổ đâm khó đá. Lúc chán thì vùi dập truy bức.
Xem bóng đá thấy ức chế vì bình luận viên thảm họa, tất nhiên có những BLV như Quang Huy, Quang Tùng thì khác. Nhiều người thích gào và khoe kiến thức bóng đá mà không biết rằng rất nhiều người am hiểu chứ không chỉ nhà báo.
Nhớ Tiger Cup ngày xưa, nhà thơ Nguyễn Duy từng trào lộng về trận thắng Lào 9-0: “Tưởng giã được ai, hóa ra giã đồng chí Pa-thet Lào mà cũng xuống đường gõ vung nồi ăn mừng”. Còn anh phàn nàn chuyện cả nước đi bão khi thắng Campuchia? Tình hình năm nay vô địch thì khéo vỡ trận mất?
Chuyện đi bão, tôi nghĩ có khi nó nằm ngoài bóng đá. Vì thắng Campuchia cũng xuống đường, chưa đá đã liên mồm hô Việt Nam vô địch! Tóm lại là xuống đường do nhu cầu bức bách cá nhân chứ không phải vì bóng đá, vì chiến thắng.
Hô Việt Nam vô địch kể cả khi không còn khả năng vô địch, thì nó gần giống kiểu hô “Zô, một hai ba” khi uống bia. Một thói quen vô lý!
Đợt này anh đặc biệt thích tuyển thủ Việt Nam nào? Nguyễn Việt Hà nhà văn (Cơ hội của Chúa, Con giai phố cổ) thích nhất Phan Văn Đức và Trần Đình Trọng, nói Đức đá “khôn bóng” còn tôi thấy cậu ta đá thông minh thanh thoát?
Phan Văn Đức là ca lạ của tuyển lần này, tôi thích cậu này. Mỗi khi cậu này lên bóng đều khiến tôi nhấp nhổm. Thông minh tinh tế mà lại thảo thơm, thấy mình khó sút là chuyền để đồng đội ghi bàn chứ không như Công Phượng rất thích dẫn bóng để rồi rất dễ mất.
Anh sống ở địa bàn Pleiku nhưng lúc này đang náu ở một khách sạn tại Ninh Thuận để chơi hai bài bóng đá cho hai báo. Còn tôi trước trận bán kết lượt về, bỗng cả khu vực nhà tôi ở thuộc phường Trúc Bạch bị đứt cáp, mà bóng lăn đến nơi rồi, làm mình đâm cáu bẳn. Trong khi có những người phải lăn lưng ngoài đường nối cáp còn khổ hơn ấy chứ. Mấy tháng trước thì hòa cùng không khí cả nước ăn “xôi lạc”. Vân vân. Ta cũng đủ độ điên rồ đấy chứ nhỉ?
Hihi. Ngay trước giờ đá chung kết lượt đi này tôi đã chuẩn bị một chai vang rất ngon của một bạn học ở Ninh Thuận mang tới. Uống vang tại xứ vang để cổ vũ bóng đá Việt.
Cũng nói luôn, chưa từng bỏ trận nào của tuyển Việt Nam, thậm chí cả giải bóng đá quốc gia nếu có trực tiếp trên tivi.
Và vì thế có quyền đòi hỏi tình yêu bóng đá ấy được đáp ứng tử tế và có văn hóa.
Cảm ơn nhà thơ nhà báo Văn Công Hùng.