Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải mở cửa đón sinh viên từ ngày 14/2, ngay sau đợt nghỉ Tết âm lịch kết thúc. TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường sẽ ưu tiên sinh viên năm thứ nhất và năm cuối học trực tiếp trước. Vì sinh viên năm cuối cần lên trường để thực tập chuẩn bị đồ án tốt nghiệp, sinh viên năm thứ nhất chưa biết trường, cần cho các em ổn định nề nếp học tập ở bậc ĐH.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, sinh viên sẽ được đo thân nhiệt và xịt khử khuẩn bằng máy tự động dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Sau nghỉ Tết âm lịch, sinh viên được đến trường học trực tiếp. Ảnh: Như Ý |
Trong tình huống có sinh viên thân nhiệt hơn 37 độ C, nhân viên giám sát sẽ liên hệ cán bộ y tế trực tại Phòng Y tế nhà trường để hướng dẫn và đưa sinh viên vào phòng cách ly tạm thời, thông báo gia đình kết hợp điều tra dịch tễ.
Tình huống thứ hai, sinh viên có biểu hiện ho, sốt, mỏi mệt, nghi mắc COVID-19, y tế phường sở tại sẽ hỗ trợ đưa sinh viên về phòng cách ly tạm thời, test nhanh ngay tại trường với sinh viên có dấu hiệu nghi mắc COVID-19.
Nếu xác định sinh viên đã dương tính lần một với COVID-19, nhân viên y tế liên lạc với y tế phường đến để test RT-PCR lần hai, nếu dương tính sẽ được cách ly. Một tình huống khác, nếu phát hiện sinh viên đang học tại trường đã tiếp xúc với một bạn F0, sinh viên này sẽ lên phòng cách ly tạm thời và test nhanh ngay tại trường; lớp học có sinh viên F0 sẽ ở yên tại chỗ thực hiện test nhanh.
TS Nguyễn Văn Lâm cho hay, sinh viên đến học sẽ được chia thành các lớp nhỏ đảm bảo sĩ số không quá 25 em/lớp, thực hiện 5K.
Lo sinh viên chủ quan phòng chống dịch
Các trường, khoa trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng mở cửa đón sinh viên từ sau Tết âm lịch. GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho biết, trường đang xây dựng các kịch bản đón sinh viên, rà soát tình hình tiêm vắc xin của người học; kết hợp Bệnh viện ĐH Quốc gia Hà Nội để tiêm đủ mũi cơ bản, tăng cường cho sinh viên, giảng viên.
Đồng thời vệ sinh, khử khuẩn giảng đường, phòng Lab và khu học xá. Xây dựng quy trình cho người học tự rà soát dấu hiệu, tự xét nghiệm nhanh (nếu có điều kiện) khi có dấu hiệu để chủ động tự giám sát ở nhà khi dương tính. Phối hợp cùng Bệnh viện ĐH Quốc gia Hà Nội xử lý các tình huống phát hiện F0 khi đi học. Tăng cường các biện pháp như đảm bảo phòng thông thoáng, hạn chế các hoạt động tập thể trong phòng (trừ học tập, thí nghiệm).
Khi học trong phòng mở cửa hoặc dùng quạt, không dùng điều hòa. Đảm bảo 100% đeo khẩu trang khi đến trường.
Cùng với trường ÐH Công nghệ Giao thông Vận tải, các trường ÐH khác như Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, ÐH Mở Hà Nội, ÐH Văn hóa Hà Nội... đều thông báo sinh viên quay trở lại học trực tiếp từ ngày 14/2. Các trường chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho sinh viên và giảng viên.
Cũng theo GS Nguyễn Quý Thanh, khi mở cửa trường trở lại, điều đáng lo là người học chủ quan không tuân thủ hướng dẫn, có thể gây lây nhiễm cục bộ. GS Thanh cho rằng vẫn tiềm ẩn rủi ro về tâm sinh lý, giảm sút chất lượng giáo dục.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết trong tháng 2, trường chỉ mở cửa cho sinh viên cần phải hoàn thành các phần thí nghiệm, thực hành ở học kỳ I đã phải gác lại do học trực tuyến với tần suất là 1.000 sinh viên/ngày. Đến đầu tháng 3, nhà trường mới chính thức mở cửa đón tất cả sinh viên học trực tiếp.