Ngày 30/11 (giờ Mỹ), Los Angeles trở thành thành phố mới nhất ở bang California, ra lệnh cấm các loại vũ khí gây tranh cãi. Trước đó, San Francisco và San Diego ra lệnh cấm tương tự.
Theo quy định mới của Los Angeles, thành phố cấm sử hữu, mua bán, tiếp nhận, vận chuyển các loại vũ khí nóng mà không có số serial hoặc các bộ phận dùng để chế tạo hỏa khí, Los Angeles Times đưa tin. Đối tượng vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt 1.000 USD và phải ngồi tù 6 tháng.
“Những loại súng này không được phép tồn tại ở Los Angeles. Chúng đã tàn phá đường phố của chúng ta”, ông Paul Koretz, ủy viên Hội đồng thành phố Los Angeles, tuyên bố.
Hồi tháng 10, Thống đốc bang New York, bà Kathy Hochul, ký ban hành luật cấm súng “ma” (tự lắp ráp). Luật cấm súng “ma” của bang New York là quy định hạn chế vũ khí nguy hiểm “gắt” nhất nước Mỹ.
“Bạo lực súng đạn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe và an toàn cộng đồng phải được xử lý quyết liệt. Làm việc với các đối tác ở mọi cấp độ, chính quyền bang New York sẽ tiếp tục trấn áp việc phân phối, sử dụng vũ khí nguy hiểm và đặt dấu chấm hết cho đại dịch bạo lực súng đạn”, bà Hochul tuyên bố.
Mỹ có số vụ xả súng hàng loạt lớn hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, gần 1 vụ mỗi ngày trong giai đoạn 2013-2017, theo CBS News. Giai đoạn 2000-2016, xả súng hàng loạt chiếm gần 0,2% số vụ giết người ở Mỹ.
Súng “ma” là gì?
Súng “ma” là loại hỏa khí tự chế được bán dưới dạng bộ sản phẩm chưa hoàn chỉnh. Vì thế, người không có giấy phép sử dụng súng, thậm chí trẻ em, cũng có thể mua về tự lắp ở nhà. Loại súng này không có số serial giống hỏa khí truyền thống, nên cơ quan thực thi pháp luật không thể truy vết được.
Súng “ma” thường được bán online trong tình trạng “hoàn thiện 80%”, tức là súng được lắp được 8 phần, khách hàng mua về nhà chỉ cần lắp nốt 2 phần là có thể dùng được, theo The New York Times.
Một người đàn ông xem website bán súng “ma” hôm 31/8 ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Vì súng “ma” được bán dưới dạng các bộ phận chưa hoàn chỉnh nên chúng không được Cục Rượu, Thuốc lá, Súng & Thuốc nổ (ATF) quản lý như với vũ khí nóng truyền thống và người mua không phải trải qua giai đoạn kiểm tra nhân thân và giai đoạn chờ cấp phép.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, các tổ chức tội phạm và đối tượng cực đoan cánh hữu rất thích tìm mua súng “ma” vì chúng muốn tiếp cận loại vũ khí không thể truy vết được, Times đưa tin. Súng “ma” thường được dùng trong các vụ bắn nhau ở các bang có quy định nghiêm ngặt về súng đạn, như California.
Các nghị sĩ Mỹ cũng cho rằng, việc cho phép bán súng “ma” dễ dàng khiến người mua, những người có thể không đủ điều kiện sở hữu hỏa khí, có cơ hội lách luật an toàn súng đạn.
Một địa điểm tưởng niệm các nạn nhân của một vụ xả súng ở Mỹ. Tấm biển có hình đạn bắn vào tìm có dòng chữ “Bao nhiêu người nữa?”. Ảnh: Boston Globe. |
Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắm vào súng “ma” trong một kế hoạch nhằm giảm bạo lực và giảm xả súng hàng loạt khắp nước Mỹ.
“Chúng ta đang đối mặt một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Đó là tội phạm mua các bộ sản phẩm chứa gần đủ các thành phần phần và các hướng dẫn để hoàn thiện một loại vũ khí nóng trong vòng 30 phút và sử dụng loại hỏa khí này để phạm tội. Khi loại hỏa khí này xuất hiện ở hiện trường tội ác, lực lượng thực thi pháp luật thường khó truy ra được nguồn gốc vì súng không có số serial. Bộ Tư pháp sẽ đề xuất một quy định để giúp chấm dứt việc phổ biến loại vũ khí nóng này”, Nhà Trắng tuyên bố.
Súng “ma” ngày càng phổ biến khắp nước Mỹ. Năm 2019, ATF thu giữ ít nhất 10.000 khẩu súng loại này, Times đưa tin. Hồi tháng 9 vừa qua, một thanh niên 25 tuổi dùng vũ khí tự chế để bắn 4 người trong một trận ẩu đả tại một quán bar ở thành phố New York.