[HỒ SƠ] Mỹ tiết lộ 4 điểm chung của những kẻ xả súng hàng loạt

Người dân chạy khỏi lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest ngày 1/10/2017 ở thành phố Las Vegas. Tay súng 64 tuổi Stephen Paddock bắn chết 58 người, bắn bị thương hơn 500 người. Ảnh: Getty Images.
Người dân chạy khỏi lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest ngày 1/10/2017 ở thành phố Las Vegas. Tay súng 64 tuổi Stephen Paddock bắn chết 58 người, bắn bị thương hơn 500 người. Ảnh: Getty Images.
TPO - Kết quả nghiên cứu lớn nhất về những kẻ xả súng hàng loạt ở Mỹ chỉ ra rằng, hầu hết hung thủ kể từ năm 1966 đến nay đều có 4 điểm chung, Vice đưa tin ngày 19/11.

Khi nghĩ đến một kẻ xả súng hàng loạt, người ta thường mường tượng đó là một nam giới da trắng, có tiền sử mắc bệnh tâm thần hoặc bạo lực gia đình. Nhưng kết quả nghiên cứu mới nhất, lớn nhất do chính phủ Mỹ tài trợ cho thấy một số khác biệt.

Nghiên cứu mới do Bộ Tư pháp tài trợ tập trung phân tích các vụ nã đạn giết ít nhất 4 người nơi công cộng kể từ năm 1966 vẽ lên chân dung một hung thủ điển hình. Đó là từng bị chấn thương tâm lý thời thơ ấu, gặp khủng hoảng cá nhân hoặc than trách một vấn đề cụ thể, có “kịch bản” hoặc ví dụ  củng cố cảm giác của họ hoặc đem lại lộ trình và khả năng tiếp cận súng đạn.

[HỒ SƠ] Mỹ tiết lộ 4 điểm chung của những kẻ xả súng hàng loạt ảnh 1 Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy Patrick Crusius đang cầm khẩu súng trường WASR-10 – phiên bản dân sự bán tự động của AK-47 trong cửa hàng Walmart ở bang Texas. Nam thanh niên này bắn chết 22 người. Ảnh: Wikipedia.

Hơn 50% hung thủ sở hữu súng hợp pháp

Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng xả súng hàng loạt vẫn đang gây tranh cãi dữ dội. Một phe cho rằng, đó là sức khỏe tâm thần, nhưng phe khác đổ lỗi cho vấn đề quản lý vũ khí. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng, kết quả nghiên cứu của họ có thể đem lại giải pháp toàn diện và dựa trên bằng chứng đối với vấn nạn xả súng, cũng như cơ hội cho các nhà ra chính sách có hành động phù hợp.

“Dữ liệu là dữ liệu. Dữ liệu không mang tính chính trị. Chúng tôi hy vọng rằng, kết quả nghiên cứu sẽ thúc đẩy các cuộc đối thoại, tranh luận để cuối cùng tìm được giải pháp toàn diện”, nhà tâm lý học Jillian Peterson công tác tại Đại học Hamline, đồng tác giả nghiên cứu về xả súng hàng loạt, nói.

Nghiên cứu được Violence Project thực hiện và công bố ngày 19/11 (giờ Mỹ). Violence Project là một đơn vị tư vấn chuyên tìm kiếm giải pháp phòng chống bạo lực trong xã hội. Kết quả nghiên cứu là một cơ sở dữ liệu chi tiết và toàn diện nhất, gồm 100 biến số khác nhau. Kết quả được công bố gần một tuần sau khi một nam thiếu niên giết chết hai học sinh cùng trường ở bang California rồi tự bắn vào đầu mình.

Các nhà nghiên cứu sử dụng định nghĩa của Cục Điều tra liên bang (FBI) về “sát nhân hàng loạt” – giết chết 4 người trở lên, không tính hung thủ và áp dụng định nghĩa này với việc xả súng tại một nơi công cộng.

Dữ liệu nghiên cứu được lấy từ ngày 1/8/1966 đến nay. Ngày đó, một cựu lính thủy đánh bộ nã đạn từ một chòi quan sát ở Đại học Texas, sát hại 15 người. Đó không phải là vụ xả súng giết người hàng loạt đầu tiên ở Mỹ nhưng các nhà nghiên cứu chọn mốc này vì đó là vụ đầu tiên được đưa tin rộng rãi trên radio và TV.

Theo thời gian, các vụ xả súng hàng loạt diễn ra thường xuyên hơn và khiến nhiều người chết hơn. Trong 167 vụ xả súng mà các nhà nghiên cứu ghi nhận 53 năm qua, 20% xảy ra trong 5 năm qua và 50% xảy ra từ năm 2000.

Động cơ gây án liên quan chủng tộc, tôn giáo, thù hận phụ nữ cũng gia tăng, đặc biệt trong các vụ xả súng trong 5 năm qua.

Trong thời kỳ mà tăng cường luật về súng đạn, bao gồm kiểm tra lý lịch trở thành một vấn đề chính trị quốc gia, kết quả nghiên cứu cho thấy hơn một nửa những kẻ xả súng hàng loạt trong 53 năm qua sở hữu súng một cách hợp pháp.

Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng, họ đặc biệt quan tâm tới một thực tế là nhiều kẻ xả súng hàng loạt có triệu chứng khủng hoảng trước khi ra tay. “Đây chính là cơ hội để chúng ta ngăn vụ án xảy ra”, ông Peterson nói.

[HỒ SƠ] Mỹ tiết lộ 4 điểm chung của những kẻ xả súng hàng loạt ảnh 2 Một người đàn ông khóc tại nơi tưởng niệm tạm thời gần hiện trường vụ xả súng hôm 3/8/2019 tại cửa hàng Walmart ở thành phố El Paso, bang Texas. Tay súng 21 tuổi Patrick Crusius bắn chết 22 người, bắn bị thương 24 người. Ảnh: AP.

5 nhóm xả súng hàng loạt

Các chuyên gia từ lâu đã cho rằng, không có hồ sơ chung về một kẻ xả súng hàng loạt. Nhưng các nhà nghiên cứu của Violence Project nhận thấy một số đặc điểm cá nhân thường đi cùng với đặc điểm vị trí mà tay súng nhắm đến, từ đó họ tạo ra 5 nhóm hồ sơ.

-Học sinh phổ thông (hệ 12 năm): Nam giới, da trắng, phần lớn là học sinh, cựu học sinh từng bị chấn thương tâm lý. Hầu hết là tự sát, lên kế hoạch phạm tội kỹ lưỡng, để người khác biết về kế hoạch của họ trước khi xả súng. Họ sử dụng nhiều súng, chủ yếu là đánh cắp từ một thành viên trong gia đình.

-Sinh viên đại học, cao đẳng: Nam giới, da màu, đang là sinh viên, tự tử, có tiền sử bạo lực, chấn thương tâm lý thời thơ ấu. Họ thường sử dụng súng ngắn có nguồn gốc hợp pháp và để lại một bản tuyên bố dạng tuyên ngôn, tâm thư.

-Tay súng công sở: Nam giới, khoảng 40 tuổi, hầu hết là nhân viên của cơ quan, đơn vị nơi diễn ra vụ xả súng, thường là nơi làm việc chân tay, từng than phiền về nơi làm việc. Họ sử dụng súng ngắn và súng trường tấn công mua hợp pháp.

-Tay súng nơi thờ tự: Nam giới, da trắng, 40-50 tuổi, phần lớn bị kích động bởi thù hận hoặc bạo lực gia đình nên bùng nổ nơi công cộng (cơ sở tôn giáo như nhà thờ, chốn hành hương…). Hành vi phạm tội của họ thường là bộc phát, ít khi được lên kế hoạch.

-Tay súng nơi thương mại: Nam giới, da trắng, 30-40 tuổi, có tiền án tiền sự, từng có hành vi bạo lực. Hầu hết không có mối liên quan nào với nơi diễn ra vụ xả súng (cửa hàng, tiệm ăn…), chỉ sử dụng một khẩu súng có nguồn gốc hợp pháp. Khoảng 1/3 số tay súng loại này bị rối loạn về tư tưởng kiểu như tâm thần phân liệt dẫn tới suy nghĩ rối loạn, hoang tưởng hoặc ảo tưởng.

[HỒ SƠ] Mỹ tiết lộ 4 điểm chung của những kẻ xả súng hàng loạt ảnh 3 Người dân tưởng nhớ nạn nhân vụ xả súng ở thành phố Dayton, bang Ohio hôm 4/8/2019 (Dòng chữ trên giấy đỏ: “Chúng ta có thể chấm dứt bạo lực súng đạn”). Tay súng Connor Stephen Betts dùng súng trường kiểu AR-15 bắn chết 9 người, bắn bị thương 27 người trước khi bị cảnh sát tiêu diệt. Ảnh: AP.

Thù hận gia tăng

Nghiên cứu chỉ ra rằng, số tay súng ra tay vì động cơ thù hận tôn giáo, chủng tộc, phụ nữ tăng từ những năm 60, đặc biệt trong 5 năm gần đây.

Kể từ năm 2015, các vụ xả súng vì thù hận xuất hiện nhiều, như vụ nã đạn vào người da màu dự lễ nhà thờ ở thành phố Charleston, tín đồ Do Thái ở thành phố Pittsburgh và Poway, phụ nữ tại một trung tâm yoga ở thành phố Tallahassee, người gốc Latin tại một cửa hàng Walmart ở thành phố El Paso…

Giai đoạn 1966-2000, có 75 vụ xả súng hàng loạt, trong đó 9% có động cơ chủng tộc, 1% thù hận tôn giáo và 7% thù ghét đàn bà. Trong số 32 vụ xả súng hàng loạt xảy ra tại Mỹ kể từ năm 2015, khoảng 18% có động cơ chủng tộc, 15% thù hận tôn giáo và 21% thù ghét đàn bà.

Sự gia tăng các vụ xả súng hàng loạt có động cơ liên quan ý thức hệ trùng với sự xuất hiện của nhóm cực hữu mới được tăng cường – họ thúc đẩy liên minh thù ghét online ở cấp quốc gia, thậm chí quốc tế. Sự gia tăng các vụ xả súng có động cơ thù ghét phụ nữ cũng trùng với sự đi lên của nhóm trực tuyến “Incels” (không tự nguyện độc thân). Thành viên nhóm này là các thanh niên trẻ giận dữ, những người bất bình, đổ lỗi tình trạng cô độc của họ cho phụ nữ.

[HỒ SƠ] Mỹ tiết lộ 4 điểm chung của những kẻ xả súng hàng loạt ảnh 4 Một phụ nữ thử súng trường tại gian hàng Ruger trong một triển lãm súng ống năm 2016 ở thành phố Las Vegas. Ảnh: Getty Images.

Sức khỏe tâm thần là một yếu tố, nhưng hiếm khi là nguyên nhân

Có 2/3 kẻ xả súng trong 53 năm qua từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, xấp xỉ 50% người Mỹ từng gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần tại thời điểm nào đó trong đời họ.

Hơn nữa, tỷ lệ kẻ xả súng ra tay vì rối loạn tâm thần (bệnh tật gây hoang tưởng, ảo giác…) ở mức thấp hơn nhiều – chưa đầy 16%. Đây là tỷ lệ thấp so với con số những kẻ xả súng vì thù hận, than phiền nơi làm việc, xung đột cá nhân.

“Nếu ai đó có tiền sử về sức khỏe tâm thần, ví dụ bị trầm cảm, chúng ta thường có thói quen đổ lỗi các hành động của họ cho việc đó. Nhưng không phải mọi thứ họ đều do chứng trầm cảm chi phối, dẫn dắt”, ông Peterson nói.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa động cơ tự tử và xả súng hàng loạt. Gần 70% đối tượng xả súng tự sát và con số này cao hơn khi tay súng là học sinh hoặc cựu học sinh. Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra giải pháp can thiệp sớm.

“Chúng ta biết về các biện pháp phòng ngừa tự sát, ví dụ hạn chế khả năng tiếp cận vũ khí, trực tiếp hỏi han, kết nối đối tượng với các nguồn lực bên ngoài, không đề cập quá đà trên báo chí…”, nhà nghiên cứu Peterson nói.

Muốn nổi tiếng

Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ đối tượng xả súng hàng loạt để nổi tiếng tăng mạnh trong 5 năm gần đây. Trong 15 năm đầu tiên của thế kỷ 21, khoảng 3% hung thủ khao khát được đi vào lịch sử với tư cách một kẻ xả súng hàng loạt. Từ năm 2015 tới năm 2019, tỷ lệ này tăng lên 12%.

Trong số vụ xả súng hàng loạt có động cơ muốn được nổi tiếng, các nhà nghiên cứu chú ý nhiều tới vụ thảm sát ở Trường THPT Columbine ở khu Columbine, thành phố Littleton, bang Colorada năm 1999 (. Từng có nhiều vụ tương tự nhưng vụ này được báo chí đưa tin đặc biệt. Cảnh tượng hỗn loạn bên ngoài trường học được phát trực tiếp trong vài giờ trước khi người ta tìm thấy hung thủ, hai học sinh lớp 12, đã chết (tự sát trong thư viện). Hai tay súng này để lại nhiều tài liệu về kế hoạch và động cơ giết người của họ.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, có tới 70% vụ xả súng hàng loạt để được nổi tiếng xảy ra ở miền tây nước Mỹ. Ở vùng đông bắc, không có vụ xả súng nào trực tiếp khởi nguồn từ việc muốn được nổi tiếng.

[HỒ SƠ] Mỹ tiết lộ 4 điểm chung của những kẻ xả súng hàng loạt ảnh 5 Cảnh sát tại hiện trường vụ xả súng tối 17/11 ở thành phố Fresno, bang California khiến 4 người chết, 10 người bị thương. Ảnh: KGPE-TV. 

Cách thức có được súng

Gần một nửa đối tượng xả súng hàng loạt mua súng đạn một cách hợp pháp. Có 13% có được súng theo cách “không chính quy” – mượn của bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Hầu hết những kẻ xả súng trường học có được súng theo cách này. Các nhà nghiên cứu nói rằng, phát hiện này có thể hỗ trợ các ý kiến yêu cầu có luật, quy định cụ thể về lưu trữ súng đạn một cách an toàn.

Đến nay, súng ngắn vẫn là loại vũ khí được sử dụng nhiều nhất trong các vụ xả súng hàng loạt, nhiều gấp 3 lần tỷ lệ súng săn, súng trường.

Súng trường tấn công bị cấm vào năm 1994 dưới thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton, nhưng một thập kỷ sau, lệnh cấm cấp liên bang này hết hạn và các nhà sản xuất súng nắm bắt cơ hội này để tái tiếp thị với dân thường các loại súng kiểu quân đội.

Các nhà nghiên cứu nói rằng, tỷ lệ sử dụng súng trường tấn công trong các vụ xả súng hàng loạt tăng mạnh trong 5 năm qua. Giai đoạn này, số nạn nhân cũng tăng đáng kể.

[HỒ SƠ] Mỹ tiết lộ 4 điểm chung của những kẻ xả súng hàng loạt ảnh 6

Một cửa hàng bán súng ở thành phố Las Vegas, Mỹ. Ảnh: Alamy.

MỚI - NÓNG