Ðảm bảo thị trường bất động sản ổn định
Một trong những thách thức lớn đang chờ tân Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải quyết là vấn đề ổn định thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung - cầu, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Việc phát triển nhà ở tại TP Hà Nội và TPHCM những năm qua chưa đạt mục tiêu đề ra đối với phân khúc nhà ở cho người lao động, công nhân. Chất lượng một số đồ án quy hoạch thấp, điều chỉnh quy hoạch ở một số địa phương còn bất cập, phá vỡ quy hoạch ban đầu, dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu vực trung tâm làm tắc nghẽn giao thông; hệ thống đô thị phát triển nhanh số lượng nhưng chất lượng thấp, chưa có sự liên kết giữa các đô thị.
Ngành Xây dựng cần nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, kịp thời tham mưu các chính sách quản lý các loại hình bất động sản mới, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch, lưu trú… vẫn còn bỏ ngỏ trong thời gian qua.
Bài toán khó đang chờ tân Bộ trưởng Công Thương là việc xử lý tình trạng bùng nổ dự án điện mặt trời (trong ảnh, một dự án điện mặt trời do nhà đầu tư tư nhân triển khai tại Bình Thuận) |
Hóc búa quy hoạch điện, công nghiệp hỗ trợ
Với lĩnh vực Công Thương, bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm đến 2025 có nhiều “vấn đề khó” đang chờ tân Bộ trưởng giải quyết. Bài toán khó đầu tiên phải giải, chính là việc xử lý tình trạng số dự án điện gió, điện mặt trời bùng nổ trong các năm từ 2019 đến nay. Các dự án năng lượng tái tạo bùng nổ, nhiều dự án lách luật để được hưởng lợi đã dẫn đến việc mất cân đối trong cung cầu thị trường điện.
Tình trạng giảm phát áp dụng với các dự án điện mặt trời đã diễn ra từ gần cuối năm 2020. Từ đầu năm 2021 đến nay, có thời điểm Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) phải giảm gần 8.000 MW nguồn điện mặt trời, gió, trong đó gần 3.500 MW điện mặt trời mái nhà. Dự báo, năm nay sẽ có khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo bị cắt giảm, trong đó hơn 500 triệu kWh giảm do thừa nguồn điện mặt trời vào buổi trưa và quá tải đường dây 500 kV.
Việc ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhiều năm qua không đạt mục tiêu nội địa hóa như đã đề ra, trong khi ngân sách hàng năm của quốc gia đầu tư cho lĩnh vực này tính bằng con số hàng nghìn tỷ đồng, cũng là thách thức của ngành Công Thương. Làm sao có những chuỗi sản xuất công nghiệp mạnh, có thể giúp doanh nghiệp Việt phát triển là vấn đề lớn thứ hai chờ tân Bộ trưởng Công Thương ra tay.
Việc phát triển thị trường trong nước, giải bài toán cung cầu nội địa giúp hàng Việt lưu thông, không để tình trạng giải cứu liên tục diễn ra cũng như dẹp nạn hàng giả, hàng nhái, quy hoạch lại thị trường xăng dầu nội địa với nhiều điều tiếng về việc “bán giấy phép”, nạn xăng giả… là những vấn đề của ngành Công Thương trong các năm tới.
Nông nghiệp Việt: giải bài toán chất lượng
Ngành Nông nghiệp cũng đối diện với nhiều thách thức chờ đợi tân Bộ trưởng ra tay xử lý như: Chất lượng sản phẩm còn thấp, năng lực cạnh tranh của ngành hạn chế; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch tả lợn châu Phi và đại dịch COVID-19; nguồn lực cho tăng trưởng nông nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với các lĩnh vực khác; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng, hàm chứa những thành tố phát triển chưa bền vững.
Bên cạnh đó, tư lệnh mới của ngành phải giải bài toán về chất lượng trong giai đoạn tới, khi hàng loạt hiệp định FTA mở toang cánh cửa ra sân chơi thế giới, ngành Nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi một đẳng cấp cao hơn. Ngoài những thách thức trên, ngành đứng trước yêu cầu cấp bách là cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực...
Minh bạch chọn sách giáo khoa
Theo một số chuyên gia giáo dục, với vai trò quản lý, Bộ GD&ĐT không chỉ có trách nhiệm thẩm định sách giáo khoa mà còn có trách nhiệm làm thế nào để không xảy ra tình trạng thiếu sách, chọn sách được minh bạch. Những năm tới, mỗi năm học có từ 2 - 3 lớp ở các bậc học thay sách, chuyện lợi ích, chuyện tranh giành thị trường, chuyện thẩm định, chọn giáo khoa sẽ vẫn là thách thức lớn của ngành giáo dục. Mặt khác, việc tiếp tục triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo đòi hỏi đi vào chiều sâu, mang tính thực chất hơn nữa, yêu cầu sự quyết liệt của cả hệ thống. Trong đó, đổi mới phương thức quản lý, đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra đánh giá đòi hỏi cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phải thay đổi thói quen vốn dĩ đã có từ rất lâu.
Cùng với tự chủ ĐH là vấn đề đổi mới thi cử và tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc trách nhiệm của các Sở GD&ĐT. Tuyển sinh tự chủ của các trường ĐH, nhưng hiện chưa có một chuẩn chung đánh giá nên phương thức tuyển sinh của các trường ĐH đang trăm hoa đua nở, gây rất nhiều khó khăn cho thí sinh. Những giải pháp để đảm bảo quyền lợi của thí sinh cũng như tăng quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH sẽ là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới.
Chống xuống cấp đạo đức xã hội
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, thách thức đầu tiên mà người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải đối diện chính là nhiệm vụ hoàn thiện thể chế văn hóa.
Các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa và thực thi, để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa, nghệ thuật mà không can thiệp quá sâu và giới hạn sức sáng tạo.
Nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW cần được đẩy mạnh và cụ thể hóa hơn nữa. Các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam được nêu ra trong nhiều văn bản nghị quyết, chiến lược, được nghiên cứu và tổng hợp trong những đề tài, hội nghị, hội thảo cần được triển khai cụ thể, phù hợp với từng nhóm xã hội khác nhau, tránh chung chung, không có khả năng áp dụng trên thực tế. Việc tạo ra hệ giá trị mới được hiện thực hóa trong đời sống cũng là một trong những nhóm giải pháp chống xuống cấp đạo đức xã hội.
Người đứng đầu ngành cần quan tâm xử lý hài hòa nhiều mối quan hệ khác nhau của văn hóa, ví dụ mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế. Cần coi quá trình phát triển văn hóa để tạo sức mạnh nội sinh và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, đồng thời kinh tế phát triển lại tạo điều kiện cho sự phát triển của văn hóa; hoặc xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại như các di sản văn hóa cần được bảo tồn, phát huy như thế nào là thích hợp.
Bên cạnh văn hóa, tân Bộ trưởng không thể không quan tâm tới du lịch. Bộ VHTTDL cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị tốt các điều kiện đón khách quốc tế trở lại thời kỳ hậu COVID-19. Đại dịch khiến các doanh nghiệp, địa điểm du lịch, người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề. Du lịch an toàn, trách nhiệm và những vấn đề đặt ra trong việc tổ chức lại hoạt động du lịch để đạt hiệu quả cao nhất là những bài toán cần có lời giải sớm và đúng đắn trong những năm sắp tới.
Toan Toan