> Làm phim "Mùi cỏ cháy": Chuyện chưa từng có!
“Mùi cỏ cháy” tái hiện 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị . |
Lịch sử vận vào phim
Giai đoạn lịch sử 81 ngày đêm máu lửa ở Thành cổ Quảng Trị là cảm hứng chính cho Mùi cỏ cháy. Biên kịch Hoàng Nhuận Cầm chấp bút kịch bản, dựa theo tinh thần nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân; truyện ngắn Bức tượng của Đoàn Tuấn và vài tác phẩm khác. Ngần ấy tư liệu để tái hiện một thời xếp bút nghiên lên đường vào Nam, qua bốn nhân vật chính là sinh viên Tổng hợp Văn: Hoàng-Thành-Thăng-Long.
“Sự khắc nghiệt 81 ngày đêm ở Quảng Trị cũng vận vào phim. Khi chúng tôi lên đường quay thì trời mưa dầm dề, còn khi muốn quay cảnh mưa thì lại nắng chang chang, đúng tinh thần Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì. Cảnh quay trận đánh cuối cùng, đoàn phim đã dàn binh bố trận, chôn quả nổ xong thì mưa xối xả”, đạo diễn NSƯT Nguyễn Hữu Mười chia sẻ.
Đạo diễn nói thêm, người ta cứ nói làm phim nhanh, riêng Mùi cỏ cháy 2 năm mới về đích. Có những cảnh quay nho nhỏ chỉ cần 1, 2 ngày là xong, nhưng mất cả tháng làm bối cảnh. Riêng bối cảnh thành cổ làm 4 tháng ròng- chiếm phần lớn kinh phí. Con đường dẫn vào khu bối cảnh này lầy lội đến mức, mỗi người trong đoàn phải đặt dần dần từng viên gạch để ô tô chở máy móc vào quay phim.
Đoàn làm phim chịu đựng cái nắng gần 40 độ từ 7h sáng đến 6h chiều trên mảnh đất bazan Sơn Tây. Cảnh quay chủ yếu ở Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc VN (Đồng Mô, Sơn Tây). Khó nhất theo chia sẻ của các nhà làm phim là sự chờ đợi, kiên nhẫn, đến nỗi có câu vè lưu truyền: Hết bão rồi lại mưa ngâu/Đoàn Mùi cỏ cháy còn lâu mới về. Sau gần hai năm vật lộn, tưởng về đích nhưng công đoạn hậu kỳ ở Technicolor bên Thái Lan gặp phải trận lụt lịch sử. Phim có nguy cơ lỗi hẹn với LHP, sau Bộ VHTTDL- ban tổ chức Liên hoan phim xem bản nháp, quyết định đặc cách.
Lấy nước mắt
Nhà quay phim NSƯT Phạm Thanh Hà nói sau buổi ra mắt Mùi cỏ cháy: “Phim lấy được nước mắt không chỉ của phụ nữ mà cả đàn ông”. Ấn tượng về sự hi sinh, mất mát trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị lay động trái tim người xem. Trong bốn nhân vật chính, Hoàng may mắn chứng kiến chiến thắng 1975, ba người còn lại cùng hàng ngàn chiến sĩ trẻ mãi mãi nằm lại đáy sông Thạch Hãn, hoặc ngay chân thành cổ.
Phạm Thanh Hà chia sẻ, ngay khi cầm kịch bản, anh tin tưởng phim sẽ thành công. Phim chiến tranh nên kỹ xảo được xem là yếu tố không nhỏ. “Phim không lạm dụng 3D nên giá thành không cao, nhưng vẫn hiệu quả. 3D nếu làm không khéo thì bị giả, trông như game. Kỹ thuật vẽ tại chỗ từng được áp dụng thành công trong phim Sinh mệnh, tái hiện hàng mục máy bay nhào lộn”, Phạm Thanh Hà nói.
Không thể phủ nhận kỹ xảo hoàn thành khá tốt sứ mệnh tái hiện “cối xay thịt” ở Quảng Trị. Hàng trăm chiến sĩ vượt sông Thạch Hãn, trúng bom đạn, chỉ non nửa sang được bờ bên kia. Ép phê không chỉ có âm thanh lập thể, mà góc máy, kỹ thuật quay dưới nước để nhấn cảnh đổ máu. Khán giả thót tim khi xem cảnh nấm mộ đồng đội vừa đắp cho Long, lại trúng bom tan tành. Đoàn làm phim nhờ sự trợ giúp của đội quân hình nộm trong các cảnh trúng bom cháy, cảnh chiến sĩ hi sinh lúc vượt sông. Họa sĩ Hoàng Chí Long đảm trách phần này, hình nộm được sử dụng trong cảnh trôi giạt trên sông, trong cảnh chết cháy. Ấy thế mới có thơ rằng: Hoan hô anh Hoàng Chí Long/Tiểu đội hình nộm được phong anh hùng.
Đạo diễn đoán, khán giả xem phim xong sẽ còn nhớ đến những khoảnh khắc, chi tiết rất đời: Chiếc khăn tay, chiếc cặp ba lá của thiếu nữ hậu phương gửi người lính trẻ. Lâu nay chúng ta được nghe nhiều về sự mất mát đó, nay mới được xem dù chỉ một phần hình ảnh sự hi sinh khốc liệt.
Bốn nhân vật chính đều là gương mặt mới toanh, sinh viên ĐH Sân khấu & Điện ảnh, ĐH Khoa học Tự nhiên. “Phim không có ngôi sao và hình như cũng chẳng có chỗ cho ngôi sao, nhưng tự thân thời kỳ lịch sử này đã thu hút người xem. Chúng tôi có cảm giác bộ phim lúc nào cũng có sự hiển hiện của các liệt sĩ. Khi chúng tôi khó khăn nhất thế nào cũng có người giúp”, đạo diễn chia sẻ.