Cấp phép xây dựng dưới đường điện cao thế
Như Tiền Phong đã thông tin, UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp phép cho Công ty Phù Sa Đỏ thực hiện dự án phức hợp du lịch tại khu vực suối Nước Moọc, sông Chày – hang Tối, được xem như “con gà đẻ trứng vàng” của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không thông qua đấu thầu khiến dư luận bất bình. Đi sâu tìm hiểu, PV Tiền Phong phát hiện dự án này đang thể hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng cả trên văn bản và trên thực địa.
Ngày 12/6/2017, Điện lực huyện Bố Trạch đã lập biên bản hiện trường và yêu cầu Công ty Phù Sa Đỏ tạm ngừng thi công công trình nhà hàng, khách sạn thuộc Dự án phức hợp du lịch vì vi phạm hanh lang an toàn lưới điện 22KV. Qua tìm hiểu, đây là đường điện cao thế phục vụ khu du lịch động Thiên Đường của Tập đoàn Trường Thịnh.
Tại hiện trường, có hai cột điện cao thế nằm ngay trong phần đất mà Công ty Phù Sa Đỏ đang cho xây dựng nhà hàng, khách sạn. Các bức tường gạch đã gần chạm đến đường dây điện. Đặc biệt, Công ty Phù Sa Đỏ đã tự ý chôn ngầm một đường điện khác, nhằm tránh bị vướng đường điện nói trên. Việc làm này của Công ty Phù Sa Đỏ không hề có sự đồng thuận của chủ sở hữu đường điện là Tập đoàn Trường Thịnh và sự phê duyệt của ngành điện lực.
Ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bố Trạch – đơn vị tham mưu cho UBND huyện này cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Phù Sa Đỏ cho rằng: Việc cấp phép xây dựng vướng vào đường điện cao thế khi chưa đền bù, di dời là sai, nhưng sai từ gốc, chứ phòng hạ tầng và kinh tế không sai. Theo ông Thanh, lâu nay việc cấp phép xây dựng chỉ dựa trên hồ sơ, giấy tờ mà chủ đầu tư trình lên. Sau khi xem xét, nếu đúng theo quy định pháp luật thì được cấp phép.
Trong trường hợp của Công ty Phù Sa Đỏ, Chủ đầu tư đã trình đầy đủ giấy tờ liên quan, nhưng không hề thấy thể hiện có đường điện cao thế nào chạy qua trên phần đất của dự án. Ông đã tham mưu cho UBND huyện Bố Trạch cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Phù Sa Đỏ. Theo ông Thanh, đây là sai sót từ cơ quan phê duyệt quy hoạch và cơ quan phê duyệt dự án chứ không phải cơ quan ông và UBND huyện Bố Trạch.
Khi được hỏi, khi phát hiện sai phạm, cơ quan cấp phép đã có động thái đình chỉ công trình hay chưa? Ông Thanh trả lời “Đình chỉ hay không, cái này thuộc thẩm quyền UBND cấp xã”.
Ông Nguyễn Thanh Hải trước bản đồ quy hoạch khu phức hợp du lịch của Công ty Phù Sa Đỏ
Không đi thực địa vẫn thẩm định, phê duyệt quy hoạch
Khi bị chất vấn về việc có một đường điện nằm ngay trên phần đất xây dựng công trình nhà hàng, khách sạn của Công ty Phù Sa Đỏ, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc Sở Xây dựng Quảng Bình đổ hết cho chủ đầu tư và đơn vị tư vấn. Ông Hải cho rằng, việc lập quy hoạch là do công ty tư vấn, sở xây dựng chỉ là cơ quan thẩm định, phê duyệt quy hoạch là UBND tỉnh. Nên việc không thể hiện đường điện cao thế chạy qua dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn.
Theo ông Hải, việc di dời đường điện được hay không là do chủ đầu tư đàm phán với đơn vị chủ sở hữu đường điện. Ông Hải thừa nhận là đã không đi thực địa trước khi tham mưu cho lãnh đạo sở xây dựng ký thẩm định.
Trong lúc đó, ông Trần Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Xây dựng TVA cho rằng, ông đã đưa 2 cột điện vào trong bản đồ quy hoạch chi tiết, nhưng không hiểu sao trong phần ghi chú lại không thể hiện 2 cột điện này. Ông Vân thừa nhận đây là một sai sót của Công ty ông, tuy nhiên việc ông Hải trưởng phòng quy hoạch kiến trúc đổ hết cho ông là không đúng. Theo ông Hải, sinh ra cơ quan thẩm định là để phát hiện sai sót của đơn vị tư vấn. “Họ đã không đi thực địa nên họ không phát hiện ra 2 cột điện để yêu cầu đơn vị tư vấn bổ sung vào bản đồ quy hoạch” – ông Vân nói.
Một chuyên gia về quy hoạch cho rằng: Nếu Công ty TVA có sai thì chỉ sai với chủ đầu tư, người thuê họ tư vấn lập quy hoạch, còn những người thẩm định, phê duyệt quy hoạch lại sai với pháp luật. Trong trường hợp này, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây Dựng Quảng Bình và ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, người ký vào bản đồ quy hoạch phải chịu trách nhiệm.
Trong lúc đó, một nhà đầu tư nhận định: Việc không thể hiện đường điện cao thế vào bản đồ quy hoạch là việc làm cố ý chứ không phải sai sót. Khi chưa thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng mà cấp giấy phép xây dựng là một sai phạm nghiêm trọng.
Nhà đầu tư này phân tích: “Nếu thể hiện 2 cột điện này nằm trong bản đồ quy hoạch sẽ kéo theo nhiều thủ tục nhiêu khê để đi dời nó, làm chậm tiến độ dự án. Chủ đầu tư dự án đã tự tin là sẽ đàm phán được với chủ sở hữu đường điện để di dời, mà không bị vướng vào các văn bản, cũng như quy trình pháp lí. Tuy nhiên, việc “đi tắt, đón đầu” của Công ty Phù Sa Đỏ đã không thành, khi bỏ qua các yếu tố pháp lí”.