Nhiều quận, huyện Hà Nội dừng lát vỉa hè bằng đá tự nhiên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm này, nhiều quận, huyện đã đề xuất lát vỉa hè các tuyến phố mới trong năm 2023, trong đó số lượng vỉa hè lát bằng đá tự nhiên giảm đáng kể, đa số đề xuất sử dụng gạch giả đá.

Xuống cấp, nứt gãy, nhiều vỉa hè phải “vá” lại

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, hiện trên địa bàn thành phố, nhiều tuyến phố lát vỉa hè bằng đá tự nhiên thời điểm trước năm 2019 xuất hiện nhiều vị trí xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Một số tuyến hiện phải tiến hành sửa chữa, vá lại những vị trí hư hỏng. Cụ thể, trên tuyến phố “kiểu mẫu” Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), hàng loạt vị trí lát đá đã phải thay mới. Vỉa hè đường Nguyễn Trãi cũng hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều chỗ đang được các công nhân tiến hành sửa chữa, thay mới đá, thậm chí cả những viên bó vỉa. Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, tuyến phố Trịnh Văn Bô cũng xuống cấp, nứt gãy nhiều vị trí, được vá lại bằng bê tông.

Nhiều quận, huyện Hà Nội dừng lát vỉa hè bằng đá tự nhiên ảnh 1

Vỉa hè tuyến phố Lê Trọng Tấn được lát đá nhưng xuống cấp nghiêm trọng, phải lát lại. Ảnh: Trường Phong

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết, sau kết luận thanh tra, quận không lát đá vỉa hè thêm tuyến nào nữa. “Chúng tôi chuyển sang lát bằng gạch bê tông giả đá. Chất lượng cũng đảm bảo, sạch đẹp, giá thành rẻ hơn và dễ thay thế, sửa chữa hơn”, đại diện lãnh đạo Ban QLDA quận Thanh Xuân chia sẻ.

Thành phố Hà Nội có khoảng 255 tuyến phố, hè được lát đá tự nhiên. Việc chỉnh trang lát đá vỉa hè tại các tuyến phố chủ yếu tập trung ở một số quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ). Trong đó, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành việc lát đá vỉa hè 100% các tuyến phố.

Nói về giải pháp khắc phục, theo vị lãnh đạo Ban QLDA quận Thanh Xuân, kể từ năm nay đơn vị sẽ “thực hiện nghiêm túc” việc bảo trì, duy tu các vỉa hè trên địa bàn quận. Công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên. Khi phát hiện một viên gạch bị vỡ sẽ lập tức thay ngay, tránh hiệu ứng “vết dầu loang”. Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp với UBND phường xử phạt các trường hợp vi phạm xâm hại vỉa hè.

Chuyển sang lát gạch giả đá

Trong giai đoạn 2016-2017, việc triển khai cải tạo, chỉnh trang một số tuyến phố (phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân; phố Trần Phú, quận Hà Đông; phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng…) có lát vỉa hè bằng đá tự nhiên còn nhiều tồn tại trong việc khảo sát thiết kế, thi công, quản lý, sử dụng sau đầu tư. Nội dung này đã được Thanh tra Thành phố chỉ ra tại Kết luận số 637/KL-TTTP-P2, trong đó khẳng định: Chất lượng mặt hè và các lớp kết cấu chưa đảm bảo theo hồ sơ thiết kế, thiết kế vỉa hè các tuyến phố chưa có sự thống nhất, việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công tác hạ ngầm chưa đồng bộ, chưa đảm bảo về mỹ quan đô thị; công tác quản lý, sử dụng vỉa hè sau đầu tư tại một số tuyến phố còn chưa đúng mục đích, công tác bảo hành, bảo trì chưa được thường xuyên, kịp thời...

Từ năm 2018 đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức kiểm tra 52 tuyến phố lát hè sử dụng vật liệu lát bằng đá tự nhiên trên địa bàn, chủ yếu tập trung tại các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy, Tây Hồ. Kết quả kiểm tra cho thấy, hoạt động lát vỉa hè vẫn tồn tại một số bất cập như: Công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố chưa đảm bảo theo quy định; Tổ chức mặt bằng thi công bị dàn trải, chưa khoa học, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường gây mất mỹ quan đô thị, làm ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của người dân...

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến hư hỏng, xuống cấp mặt hè do việc quản lý, sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt. Nhiều nơi vỉa hè còn bị chiếm dụng để đỗ ô tô, xe cơ giới hoặc phục vụ các hoạt động kinh doanh của người dân.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, quá trình kiểm tra cho thấy, độ dày bê tông nền đều đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn. “Quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý mặt hè sau thi công, việc này phụ thuộc vào sự vào cuộc của các UBND các quận, huyện”, đại diện Sở Xây dựng nói. Sở Xây dựng đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ phương tiện giao thông trên vỉa hè không đúng quy định, nghiêm cấm việc sử dụng mặt hè trái công năng, mục tiêu thiết kế gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.

Vị này cũng cho biết thêm, thời điểm này nhiều quận, huyện đã đề xuất lát vỉa hè các tuyến phố mới trong năm 2023, trong đó số lượng lát bằng đá tự nhiên giảm đáng kể, đa số là gạch giả đá.

MỚI - NÓNG