Dịch cúm gia cầm xuất hiện ở Mỹ từ tháng 12 năm ngoái. Các bang có gia cầm nhiễm chủng cúm H2N2 và H5N8 có độc lực cao gồm Arkansas, California, Idaho, Indiana, Iowa, Kansas, Minnesota, Misouri, Montana, Nebraska, Bắc Dakota, Oregon, Nam Dakota, Washington và Wisconsin.
Gần đây nhất, Guatemala, Barbados và Canada đã siết các quy định nhập khẩu đối với sản phẩm gia cầm Mỹ. Guatemala thông báo, tất cả gia cầm và sản phẩm gia cầm phải được xử lý qua nhiệt theo Hướng dẫn OIE (Tổ chức Thú y Thế giới) để tiêu diệt hết virus cúm. Quốc gia này cũng liệt kê các bang của Mỹ không được xuất khẩu gia cầm chưa qua chế biến trong hoặc sau ngày 19/12/2014 và trước ngày 20/5/2015.
Barbados cho biết đã nâng cao các tiêu chuẩn xuất khẩu và sẽ không chấp nhận nhiều loại sản phẩm gia cầm sống, đông lạnh từ các bang của Mỹ hoặc được chế biến trong các khoảng thời gian xác định. Hàn Quốc cũng xác nhận tất cả những sản phẩm gia cầm Mỹ chưa được xử lý nhiệt trong hoặc sau ngày 20/12/2014 không được phép nhập khẩu vào nước này, theo trang tin Global Meat News. Trước đó, các nước nhập khẩu nhiều sản phẩm gia cầm của Mỹ như Trung Quốc, Angola… cũng triển khai biện pháp hạn chế nhập khẩu, Reuters đưa tin.
Chính phủ Mỹ sẽ chi khoảng 191 triệu USD để bù đắp cho những nông dân nuôi gà bị thiệt hại, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho biết hôm đầu tuần. Đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ cân nhắc triển khai một chương trình cứu trợ người nuôi gia cầm. Đó chỉ là một phần trong chương trình 700 triệu USD của chính phủ Mỹ để đối phó thảm họa trên động vật được coi là tồi tệ nhất mà Mỹ từng đối mặt, ông Vilsack cho biết. Chính phủ cũng phải chi 400 triệu USD để dọn sạch gia cầm chết, khử trùng chuồng trại cũng như nghiên cứu và dự trữ vắc-xin cúm để đề phòng dịch quay trở lại.
Tính đến nay, Mỹ thiệt hại 48 triệu gia cầm, trong đó chủ yếu là gà tây và gà đẻ trứng ở 15 bang vùng trung tây. Ba bang Iowa, Minnesota và Missouri thiệt hại nhiều gia cầm nhất. Trong số 211 trại gia cầm thương mại ở Mỹ bị ảnh hưởng trong dịch cúm, 90 trại đã được dọn sạch và khử trùng, 70 trại trong số đó đã sẵn sàng nuôi đàn mới. Từ cuối tháng 9, các trang trại bị ảnh hưởng sẽ hoạt động trở lại, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.