Các đại biểu thảo luận sôi nổi về nguyên nhân cháy xe. |
Sáng nay (10-2), đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và hai người có xe bị cháy đến Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cùng mổ xẻ nguyên nhân khiến hàng loạt xe bốc cháy trong thời gian gần đây.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực (Đai học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, sau khi tiến hành khảo sát và tìm hiểu, nhóm nghiên cứu của Viện rút ra năm nguyên nhân chính gây cháy xe.
Các nguyên nhân bắt nguồn từ chất lượng xăng dầu, chất lượng phụ tùng, chế độ bảo trì không phù hợp, đường ống xả bị quá nóng, điều kiện vận hành khắc nghiệt. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống phụ tùng xe, đặc biệt là hệ thống dây điện, tiếp điểm, sạc ắc quy và cuộn đề có độ bền nhiệt không đáp ứng yêu cầu hoặc phải hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt. Thời tiết nóng ẩm, bụi bẩn, tắc đường… dẫn tới việc lão hóa nhanh các hệ thống, thiết bị phụ trợ xe.
Trường hợp hệ thống bảo vệ đường điện không tốt, kết hợp với việc bố trí các đường điện không cố định hay gần nguồn nóng từ động cơ, có thể dẫn tới hiện tượng như cọ xát cơ khí, gây chập điện hay biến dạng nhiệt dần gây cháy.
Về xăng dầu, ông Tuấn cũng cho rằng: “Nhiên liệu chứa các chất phụ gia không được kiểm soát hoặc dung môi như methanol… với tỷ lệ lớn dẫn tới ăn mòn, lão hóa nhanh các chi tiết làm kín (cao su, nhựa, polymer…) dẫn tới rò rỉ nhiên liệu, khả năng gây cháy cao hơn.
“Qua đánh giá của chúng tôi, cùng với kinh nghiệm từ Mỹ thì hệ thống điện có thể là căn nguyên chính dẫn đến cháy nổ xe”, ông Tuấn chia sẻ.
Chiếc xe bị cháy ở Hà Đông chiều 8-2. |
Ông Lê Bạch Chúc, cán bộ Trung tâm An toàn Hóa chất Bảo vệ Môi trường lại cho rằng, bất cứ yếu tố riêng lẻ nào cũng không thể gây cháy, phải có sự kết hợp đồng thời hai yếu tố chính là chất cháy và nguồn nhiệt cao.
Ông Chúc nhận định: “Hiện tượng cháy xe trong thời gian vừa quan liên quan đến tình trạng kỹ thuật không hoàn thiện của xe như hệ thống cung cấp nhiên liệu không kín, hệ thống điện có khuyết điểm, hệ thống xả có khiếm khuyết… Hay việc sử dụng xe chưa đúng, tình trạng xe không đảm bảo an toàn trong sử dụng. Ngoài việc do chủ xe chưa ý giữ gìn, cần xem xét đến thiết kế và chất lượng sản xuất, độ an toàn của kết cấu...”.
Trong khi đó, đa phần các nhà khoa học cho rằng, yếu tố chính là nhiên liệu, mà cụ thể ở đây là xăng, đặc biệt là xăng pha các phụ gia như metanol, làm tăng nguy cháy nổ ôtô, xe máy.
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Viện phó Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho rằng, ông nghi ngờ xăng khi được pha phụ gia như acetone, methanol là nguyên nhân gây cháy.
“Nếu xăng pha metanol, etanol và acetone thì có thể gây ra nguy cơ cháy nổ. Bởi lẽ, metanol là chất phản ứng mạnh, dễ cháy. Nó hòa tan tốt trong xăng. Việc rò rỉ do ống nhiên liệu, gioăng cao su nhiên liệu như đồng, kẽm, nhôm… bị ăn mòn khi nồng độ metanol đạt 15% trở lên. Chính vì thế, hiện nay, 12 hãng ô tô lớn trên thế giới đã khuyến cáo không được dùng phụ gia như metanol hay etanol pha vào xăng do tính chất ăn mòn đối với cao su, polimer tổng hợp, cũng như sự hút nước của metanol, etanol, aceton nên sản phẩm xăng dầu không được phép dùng” – ông Hùng cho biết.
Có mặt tại hội thảo, chị Trịnh Thanh Hằng, Giáo viên trường Tiểu học Thành Công A (Hà Nội), người có xe bị cháy, nghi ngờ xăng là nguyên nhân chính. Chị cho biết, trước khi xe cháy, chị đổ xăng ở một cây xăng bán lẻ ven đường. Sau khi đổ đầy xăng, xe không nổ máy được, phải nhờ thợ sửa. Sau đó, chị đổ thêm một lần nữa ở cây xăng đường La Thành. Sau gần 30 tiếng đồng hồ không vận hành, xe của chị phát cháy vào 3 giờ sáng.
Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cũng cho rằng, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ xăng không đạt tiêu chuẩn. Theo Tiến sĩ An, vấn đề là phải quy trách nhiệm về các đầu mối và phải có những chế tài đủ mạnh để buộc những đầu mối nhiên liệu này phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu họ bán ra.
Cuối buổi hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra một số lưu ý nhằm giảm thiểu hoặc phòng tránh cháy xe. Đó là quản lý tốt chất lượng phụ tùng xe, nhất là đối với hệ thống điện; quản lý tốt chất lượng xăng dầu theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam; cải thiện môi trường giao thông nhằm giảm tắc đường; quản lý và quy chuẩn hóa các trạm bảo trì, bảo dưỡng phương tiện; chủ phương tiện cần có chế độ bảo trì, bảo dưỡng định kỳ; đồng thời bổ sung kiến thức, ý thức phòng cháy nói chung và phòng chống cháy phương tiện nói riêng. Các nội dung này cần được chú trọng trong nội dung đào tạo cấp bằng lái xe. |