Nhiều người Việt suy gan, hôn mê nguy kịch vì nghiện 'món' này

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Mỗi ngày đầy đủ 3 cữ rượu, trung bình khoảng 600 ml, người đàn ông ở Yên Bái nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội liên tục, bụng chướng căng đau khắp người, mạch nhanh, nôn nhiều, có tiền sử xơ gan.

Thập tử nhất sinh vì ham nhậu

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, bệnh nhân Đ năm nay mới 35 tuổi, nhưng đã có tiền sử uống rượu khoảng 6 năm nay. Trung bình mỗi bữa bệnh nhân uống một cốc rượu khoảng 200ml, tương đương một ngày ba bữa liên tục khoảng 600ml.

Lần này,  trước khi nhập viện cấp cứu bệnh nhân có một bữa rượu “no say”, sau khi về nhà bệnh nhân thấy đau bụng, cơn đau càng ngày càng nặng nên gia đình đã đưa đến BVĐK huyện Văn Yên, sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp, khả năng phải lọc máu cao và ngay lập tức cho bệnh nhân chuyển lên BVĐK tỉnh Yên Bái.

Khi nhập viện đa khoa tỉnh bệnh nhân ở trong tình trạng đau bụng dữ dội liên tục, bụng chướng căng đau khắp người, mạch nhanh, nôn nhiều, có tiền sử xơ gan. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, men tụy Lipase 1892u/l, trong khi người bình thường chỉ số này là 0-60u/l tức là tăng gấp hơn 30 lần, men tụy Amylase 704u/l bình thường chỉ số này là 28/100u/l. Chỉ số về men gan cũng ast(độ phá hủy tế bào gan) cũng rất cao 1561u/l bình thường chỉ số này là chỉ 0-50u/l…Tất cả các chỉ số cho thấy bệnh nhân này viêm tụy cấp hoại tử. 

Trước đó,  tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Nguyễn Văn T.  52 tuổi, ở  Sơn Động, Bắc Giang, bị viêm tụy cấp nặng biến chứng suy đa tạng do rượu. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, anh T rất hay uống rượu, 10 năm nay, mỗi ngày uống hết khoảng 500ml- 1 lít rượu. Ngày 14/11, sau  khi ăn đám cưới anh T xuất hiện đau bụng vùng thượng vị sau đó lan ra khắp bụng; đau bụng dữ dội không kèm theo nôn… Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại bệnh viện huyện và được các bác sĩ  chẩn đoán viêm tụy cấp. Đến ngày 16/11 tình trạng bệnh không đỡ nên được chuyển đến bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bắc Giang nhưng tình trạng của bệnh nhân nặng thêm và được chuyển đến Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, khó thở, suy đa tạng đến tối ngày 21/11 bệnh nhân có diễn biến xấu, suy hô hấp tăng lên, các bác sĩ phải tiến hành đặt ống nội khí quản và lọc máu liên tục. Sau 2 ngày hỗ trợ tích cực bằng thở máy và lọc máu liên tục tình trạng của bệnh nhân được cải thiện; hiện tại không cần lọc máu liên tục nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn còn suy hô hấp, cần hỗ trợ thở máy.

70% bệnh nhân bị viêm tuỵ cấp do uống nhiều bia rượu

TS.BS. Đào Xuân Cơ, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh Viện Bạch Mai cho biết, viêm tụy cấp thường xảy ra do uống nhiều rượu bia chiếm đến 60-70% số bệnh nhân mắc viêm tụy cấp ở Việt Nam... Trong thể viêm tụy cấp nặng bệnh nhân biểu hiện bằng bệnh cảnh suy nhiều cơ quan: sốc, suy hô hấp, suy thận… Nếu không được điều trị sớm, ở mức độ nặng, bệnh diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao 20-50%, trong bệnh cảnh suy đa tạng, nhiễm trùng thứ phát.

TS.BS Đào Xuân Cơ chia sẻ, với trường hợp của bệnh nhân T là thể rất nặng trong viêm tụy cấp, rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh viêm tụy cấp rất dễ tái phát vì người bệnh dù ra viện vẫn phải hết sức giữ gìn, tái khám định kỳ và theo dõi chặt chẽ. Nhiều trường hợp sau khi về, bệnh nhân ăn uống kém, đi ngoài phân sống (do tụy bị hoại tử nên ảnh hưởng đến tiêu hóa); một số lại mắc đái tháo đường do viêm tụy.

Bệnh nhân cũng có thể gặp những biến chứng liên quan đến viêm tụy mạn tính như đái tháo đường, hình thành các nang giả trong tụy… Vì vậy, cứu được bệnh nhân là một thành công, nhưng nếu ngay từ đầu, người dân không uống rượu thì sẽ hạn chế được khả năng viêm tụy cấp, hạn chế việc tổn thương không hồi phục nhiều cơ quan trong cơ thể.

Theo Ths.BS Phạm Đăng Hải, BV Trung ương Quân đội 108, các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp xuất hiện sau khi uống bia rượu như đột ngột đau bụng dữ dội kèm theo nôn ói, bụng chướng nhiều, bí trung đại tiện. Người bệnh viêm tụy cấp nặng có thể dẫn đến suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng và tử vong.

Cũng theo bác sĩ Hải, có hai nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tụy cấp là do rượu bia và sỏi mật. Trong đó, những người uống rượu bia thường xuyên có khả năng bị viêm tụy cấp rất cao. Đặc biệt, các trường hợp đã bị viêm tụy cấp do rượu bia nếu sau điều trị còn tiếp tục uống rượu bia thì khả năng tái phát cao và lần sau mức độ bệnh sẽ nặng hơn những lần trước.

Ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống rượu bia như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất cồn trong rượu bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như viêm tụy, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan; tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản; ung thư đại tràng. Vì vậy, hạn chế uống rượu bia là cách phòng bệnh tốt nhất.

MỚI - NÓNG