Ngày 10/1, thông tin từ Công an TP. Huế cho biết, lực lượng chức năng vừa phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn tinh vi, từ việc lợi dụng tâm lý hoang mang của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội.
Một người dân trình báo công an sau khi bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: CACC |
Mới đây, chị P.T.M. (SN 1973, trú tại phường Vĩ Dạ, TP. Huế) trình báo bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.
Trước đó, khi chị M. đăng ký cho con thi IELTS qua mạng nhưng bị đối tượng xấu dùng nhiều chiêu trò lừa đảo số tiền hơn 90 triệu đồng.
Xuất phát từ nhu cầu lấy lại số tiền bị lừa, thông qua tài khoản Facebook, chị M. thấy thông tin của một trang quảng cáo về "Công ty luật hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa, bị treo" nên liên hệ nhờ lấy lại số tiền bị lừa đảo.
Khi được hứa hẹn chắc chắn sẽ lấy lại được tiền bị lừa, chị M. nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng gần 25 triệu đồng.
Cũng thủ đoạn này, ngày 6/11/2023, chị Đ.T.D. (trú tại phường Kim Long, TP. Huế) bị các đối tượng lừa 16 triệu đồng. Tương tự, ngày 8/11/2023, anh H.M.T. (ở huyện Phú Vang) trình báo bị lừa gần 9 triệu đồng; anh N.T.H. (trú tại phường Phú Thượng, TP Huế) bị lừa 59 triệu đồng...
Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an TP. Huế, cho biết, lừa đảo trên không gian mạng diễn ra hết sức phức tạp và tinh vi, trong đó có thủ đoạn lợi dụng tâm lý hoang mang của người bị lừa, sau đó kẻ gian tiếp tục giả mạo cá nhân, tổ chức có uy tín để thực hiện hành vi lừa đảo.
"Các đối tượng tạo lập trang web, mạng xã hội mạo danh cá nhân, tổ chức có uy tín như văn phòng luật sư, ngân hàng, cơ quan nhà nước với nội dung quảng cáo có khả năng hỗ trợ bị hại lấy lại tiền bị lừa. Thông qua các kênh thông tin này, sau khi tiếp cận bị hại, bằng kỹ thuật thao túng tâm lý, các đối tượng xấu làm cho bị hại tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản sau đó chiếm đoạt", Trung tá Lê Ngọc Minh lưu ý.
Theo Công an TP. Huế, trong năm 2023 vừa qua, đơn vị tiếp nhận hàng trăm đơn của bị hại liên quan đến tội phạm công nghệ cao, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại hàng chục tỷ đồng.
Trong đó, lực lượng công an đã phá thành công 2 chuyên án, bắt giữ 3 đối tượng sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt 44 triệu đồng của bị hại.
Ngoài các thủ đoạn trên, một số thủ đoạn lừa đảo qua mạng người dân cần cảnh giác như giả danh nhân viên ngân hàng mở thẻ tín dụng, tuyển cộng tác viên bán hàng cho Shope, Lazada, Tiki; hack tài khoản Facebook, Zalo để nhắn tin, gọi điện thoại nhờ chuyển tiền vào tài khoản; hoặc giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát... nhằm mục đích lừa đảo.