TS. Vũ Thế Khanh- Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng- UIA |
“Dùng tiền trả nghiệp là trái giáo lý nhà Phật”
Dư luận đang xôn xao về việc CLB Tình người núp bóng tâm linh để lừa đảo. Là một nhà nghiên cứu lâu năm về tâm linh, ông đánh giá như thế nào về sự việc này?
Trước hết, nói về mặt luật pháp, CLB Tình người là một bộ phận trực thuộc một Công ty TNHH, do vậy phải hoạt động theo luật doanh nghiệp, từ quy mô, hình thức hoạt động, cũng như chức năng nhiệm vụ của CLB đều phải tuân thủ những điều đã được đăng ký ghi trong giấy phép kinh doanh. Các thành viên trong CLB này đương nhiên phải là nhân viên của công ty, phải có hợp đồng lao động dài hạn, ngắn hạn hoặc vụ việc theo quy định của luật lao động, phải đóng bảo hiểm xã hội và các quy định khác của pháp luật. Nhìn vào cách hoạt động của CLB Tình người thì thấy nó đã vượt xa các quy định của luật doanh nghiệp, mà giống như hình thức tổ chức và hoạt động của “Hội” nhưng lại chưa được phép của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước.
CLB này cũng không phải là thành viên của tổ chức tôn giáo nào, nhưng lại núp bóng, mượn các thuật ngữ, mượn luận thuyết của tôn giáo (như của đạo Phật, đạo Thiên Chúa, Khổng Giáo…) để đánh tráo khái niệm về tín ngưỡng, tâm linh. Đằng sau còn chứa đựng hành vi lừa đảo, mê tín dị đoan.
Trong các nội dung được truyền bá ở CLB Tình người có các khái niệm như “trả nghiệp” bằng tiền, thậm chí nhiều tiền và “tạo phúc” bằng cách lôi kéo thêm người khác tham gia câu lạc bộ. Đây có phải cách làm đúng về mặt tâm linh không, thưa ông?
Những luận điệu của CLB Tình người về “trả nghiệp” hoặc “tạo phúc” hay “thiện nguyện” là quá lệch lạc, hoàn toàn xuyên tạc với khái niệm chính thống. Nhà Phật nói rằng mỗi chúng ta có 3 nghiệp thân, khẩu, ý. Nghiệp là kết quả của hành động, lời nói, ý nghĩ. Muốn giải nghiệp xấu thì không có cách nào khác phải sám hối, tu tập, làm nhiều điều tốt. Còn dùng tiền để giải nghiệp thì không phù hợp với giáo lý nhà Phật.
Cách lôi kéo người tham gia của CLB này cũng rất ma mị, nửa kín nửa hở, tương tự như đạo khỏa thân của Lưu Văn Ty ở Nghệ An vậy. Cũng có thể là do họ nghiên cứu đạo học chưa được thấu đáo, hoặc họ cố tình dùng các thuật ngữ này để che mắt thế gian, che mắt các lực lượng quản lý an ninh văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng để thực hành “kinh doanh mê tín dị đoan”, móc tiền của những người cả tin một cách tinh vi. Làm gì có chuyện “ngân hàng” của thế giới Tâm linh siêu hình lưu thông tiền tệ của trần gian? Do vậy, nói rằng “cúng vong bằng tiền thì mới sống yên ổn” thì rơi vào mê tín.
Người Việt Nam hầu hết đều theo hoặc ảnh hưởng một tôn giáo chính thống nào đó (như đạo Phật, Thiên Chúa Giáo, Khổng Giáo, đạo thờ Gia tiên…) nên có cuộc sống nội tâm phong phú, giàu lòng trắc ẩn. Do vậy, rất dễ mất cảnh giác bởi các thuật ngữ có vẻ như trong tôn giáo: trả nghiệp, đóng bè tập phúc, bố thí, từ bi, bác ái, thiện nguyện…
Thông tin thầy đồng chữa bệnh nan y, thậm chí cả COVID-19 đang được cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc điều tra |
90% hiện tượng tâm linh, ngoại cảm là giả mạo
Mới đây, xôn xao thông tin một thầy đồng ở Vĩnh Phúc có thể chữa bệnh COVID-19 bằng tâm linh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Với hơn 30 năm nghiên cứu tâm linh, tôi xin khẳng định việc đồng bóng ở Vĩnh Phúc tuyên bố chữa được cả COVID-19 bằng tâm linh mà không cần dùng thuốc là hoàn toàn lừa đảo, vì dịch bệnh này do nguyên nhân thực thể là một loại siêu vi rút gây nên (cho dù mắt thường ta không nhìn thấy, nhưng các thiết bị của khoa học hiện đại đã xác định được). Nó là siêu vi chứ không phải là siêu hình, do vậy nó không thể dùng liệu pháp Tâm linh để điều trị.
Vậy còn các clip xuất hiện tràn lan trên YouTube quảng cáo “thần y”, nhà ngoại cảm chữa bách bệnh như ung thư, u não, HIV… mà không cần dùng thuốc?
Internet phát triển đã tạo điều kiện cho những chiêu trò chữa bệnh mang tính lợi dụng tâm linh như “nhảy đồng chữa bệnh”, “bắt vong chữa bệnh”, “thần y chữa bệnh”... Tuy nhiên, điều tra ra thì chưa chữa được ai. Hay như trường hợp ông Nguyễn Văn Tường ở Trà Vinh quảng cáo “chữa ung thư bằng ăn cháo nano” gây xôn xao dư luận thời gian qua, nhưng thực tế những bệnh nhân “khỏi bệnh” đã tử vong. Dã man hơn, các bệnh nhân vẫn được đưa vào “báo cáo khoa học” để đề nghị khen thưởng, không khác gì kiếm ăn trên xác chết đồng loại.
Đánh trúng điểm yếu “có bệnh thì vái tứ phương” của người dân, lại làm việc với sự hỗ trợ của ê-kip, trong đó không thể thiếu một bộ phận “chân gỗ” để loè bịp dân nên các “thần y” rởm vẫn có đất để diễn. UIA từng tiến hành khảo nghiệm hàng trăm trường hợp cô đồng, nhà ngoại cảm, “thần y” và kết quả cho thấy 90% không có khả năng. Có những người do hoang tưởng mê muội, nhưng phần nhiều là cố tình đánh tráo khái niệm để hành nghề mê tín. Hàng loạt trường hợp mà chúng tôi chỉ mặt, đặt tên lừa đảo sau đó đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Xin cảm ơn TS. Vũ Thế Khanh!