Nhiều người bị điện giật chết vì điện thoại di động
> Khi điện thoại thông minh liên tục phát nổ
> Điện thoại phát nổ gây chấn thương nặng
TPO–Gần đây liên tiếp xảy ra những tai nạn do cháy, nổ khi vừa sạc vừa nghe máy điện thoại, dẫn đến chết người. Mới đây nhất, cựu tiếp viên Trung Quốc bị điện giật chết khi sử dụng iPhone 5 đang sạc pin.
Ma Ailun, 23 tuổi đã tử vong khi sử dụng chiếc iPhone 5 đang sạc pin. |
Bị điện giật chết khi nghe iPhone 5 đang sạc
Ma Ailun, 23 tuổi, cựu tiếp viên hàng không ở Trung Quốc (dự định làm đám cưới vào ngày 8/8 tới) vừa bị điện giật chết trong nhà của cô ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), khi sử dụng chiếc iPhone 5 đang cắm sạc.
Trên trang Sina Weibo, hôm thứ 7 vửa qua, chị gái Ma Ailun nói, hy vọng hãng Apple có lời giải thích thỏa đáng, cũng như mọi người sẽ được cảnh báo rõ ràng khi sử dụng các thiết bị di động trong lúc sạc pin.
Ông Ma Guanghui, cha nạn nhân, nói, trên cơ thể con gái ông có những dấu hiệu cho thấy bị điện giật.
Cảnh sát cho hay, Ma Ailun chết do điện giật nhưng họ vẫn chưa chắc chắn rằng chiếc iPhone của cô là nguyên nhân gây ra tai nạn.
Ngay hôm sau tai nạn, đại diện Apple lên tiếng rằng, “chúng tôi vô cùng xin lỗi vì đây là tai nạn đáng tiếc, xin bày tỏ lời chia buồn đến nạn nhân và gia đình”. Apple đang phối hợp cảnh sát để làm rõ nguyên nhân cái chết của Ma Ailun".
Chiếc iPhone 5 của Ma Ailun được mua ở một cửa hàng chính hãng của Apple, có bộ sạc kèm máy.
Giáo viên Vật lý ở Đại học Nam Kinh cho biết, nếu bộ sạc hoặc mạch có vấn đề, chẳng hạn như một sợi dây bị hỏng, nó có thể dẫn đến sự cố khi dòng điện lên đến 220V.
Hình ảnh Samsung Galaxy S3 cháy khi đang sạc điện. |
Nhiều tai nạn
Gần đây những tai nạn chết người khi vừa sạc vừa nghe điện thoại xảy ra khá nhiều. Trên các trang báo, mạng xã hội liên tục đưa tin về những vụ tử vong do điện thoại.
Ngày 17/8/2010, CNN đưa tin, Gopal Gujjar, 23 tuổi ở Ấn Độ, thiệt mạng sau khi chiếc Nokia 1209 của anh này phát nổ trong lúc đàm thoại. Cảnh sát tìm thấy Gujjar tắt thở với các vết bỏng nặng ở tai trái, cổ và vai.
Những mẩu vụn và pin điện thoại rải rác cạnh xác nạn nhân nên nhà chức trách địa phương nhận định, anh này tử vong vì thiết bị di động giá rẻ của Nokia. Cảnh sát cho biết, không có nhân chứng nào ở đó khi xảy ra cái chết của Gujjar.
Một trường hợp khác, Xiao Jinpeng, 22 tuổi, ở Trung Quốc, chết hôm 19/6/2007 do quả pin của chiếc điện thoại Motorola đặt trong túi áo sơ mi phát nổ ở gần ngực, làm gãy xương và xuyên vào tim, tờ Lan Châu Morning Post (Trung Quốc) đưa tin hôm 4/7/2007.
Cảnh sát điều tra cho biết, có thể nạn nhân tử vong do sử dụng điện thoại giả, kém chất lượng.
Ngoài ra, năm 2010, một người đàn ông ở phía đông bắc Trung Quốc chết do đang thực hiện cuộc gọi bằng chiếc điện thoại được sạc bởi bộ nạp không đúng tiêu chuẩn, theo Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc.
Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ
Nạn nhân Kiều Thế Bắc (20 tuổi, ngụ tại Nghĩa Lập II, thị trấn Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) tử vong do điện giật khi sử dụng điện thoại di động đang sạc pin.
Khoảng 3h30 sáng 16/4/2012, ông Kiều Thế Quang (bố nạn nhân) dậy sớm tưới rau. Khi qua phòng ngủ của con trai, ông thấy Bắc bị điện giật, người tím tái, nằm bất động trong tư thế sử dụng điện thoại còn đang cắm dây vào ổ sạc pin.
Dù người nhà đưa đến Bệnh viện cấp cứu nhưng bác sĩ cho biết nạn nhân bị điện giật chết trước đó. Nguyên nhân ban đầu xác định do dây sạc pin hở mạch, quấn vào cổ tay nạn nhân.
Thanh Hà