> Năm 2013, vẫn tổ chức thi ĐH, CĐ thành 3 đợt
Đại diện Sở GD-ĐT các tỉnh thành bàn giao hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ năm 2012 tại TPHCM. Ảnh: Quang Phương . |
Tự “chọi” với bản thân
Theo số liệu Bộ GD-ĐT vừa công bố về tình hình hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ năm học 2012, tổng số hồ sơ ĐKDT là 1.812.592 bộ, giảm 7,74% so với năm 2011.
Trong đó, số hồ sơ ĐKDT vào hệ ĐH là 1.358.381, chiếm 75% và 454.211 hồ sơ ĐKDT vào cao đẳng. Năm nay, số hồ sơ ĐKDT nhóm ngành kinh doanh và quản lý giảm 10,66% so với năm 2011; hồ sơ ĐKDT vào các ngành khoa học xã hội nhân văn tương đương năm 2011, với 4,43%.
Những ngành có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi thấp là nghệ thuật, báo chí, khách sạn, thể dục, thể thao, dưới 1%.
Trong khi đó, theo thống kê của các trường ĐH, CĐ năm nay, nhiều ngành có tỷ lệ “chọi” dưới 1, tức là số hồ sơ ĐKDT ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh của ngành đó.
Theo thống kê của ĐH Cần Thơ, tổng số hồ sơ ĐKDT năm nay là 73.495 (giảm gần 9.000 hồ sơ so với năm 2011), trong đó 63.053 thí sinh thi vào ĐH Cần Thơ và 10.442 thí sinh đăng ký thi nhờ.
Bên cạnh những ngành có tỷ lệ 1 “chọi” 30 thì cũng có những ngành tỷ lệ “chọi” dưới 1 như: Lâm sinh 1/0,1; Công nghệ thông tin 1/0,3; Sư phạm tiếng Pháp 1/0,7…
Tại ĐH An Giang nhiều ngành có hồ sơ ĐKDT thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu: Sư phạm sinh học 1/0,8; Sư phạm tin học 1/0,85; Sư phạm hóa học 1/0,87…
Đây là một trong những trường có nhiều ngành rơi vào tình trạng khó tuyển sinh trong các năm trước và nhiều ngành phải tạm ngưng tuyển vì không có người học.
Ở TPHCM, tỷ lệ “chọi” nhiều ngành ở các trường đào tạo khối ngành khoa học xã hội nhân văn, sư phạm… khá thấp. Với ĐH Sư phạm TPHCM, tỷ lệ “chọi” ở ngành Giáo dục quốc phòng - an ninh là 1/0,1; Sư phạm Nga: 1/0,9; Sư phạm Pháp: 1/0,6; Ngôn ngữ Nga: 1/0,5; Ngôn ngữ Pháp: 1/0,7; Ngôn ngữ Trung Quốc: 1/0,9; Văn học: 1/0,6; Quốc tế học: 1/0,8…
ĐH Quốc tế Hồng Bàng có tổng chỉ tiêu năm nay là 4.400, nhưng tổng số hồ sơ ĐKDT vào trường chỉ khoảng 1.500. ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng có một số ngành tỷ lệ “chọi” thấp như: Công nghệ vật liệu chỉ tiêu là 200, nhưng chỉ có 90 hồ sơ. Hệ CĐ của trường, ngành Bảo dưỡng công nghiệp có 150 chỉ tiêu nhưng chỉ nhận được 36 hồ sơ ĐKDT.
Tương tự, ở khu vực miền Trung, nhiều ngành của các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng có nguy cơ tuyển không đủ chỉ tiêu vì hồ sơ ĐKDT quá ít. ĐH Ngoại ngữ là trường có khá nhiều ngành tỷ lệ “chọi” dưới 1 như: Sư phạm tiếng Pháp 0,49, sư phạm tiếng Trung 0,66, ngôn ngữ Nga 0,60, ngôn ngữ Thái Lan 0,29.
Với ĐH Bách khoa, nhiều ngành cũng không thoát khỏi tình trạng trên như: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp: 0,67, Công nghệ vật liệu 0,83, Kỹ thuật tài nguyên nước 0,78…
Một số ngành tại các trường ĐH thành viên của ĐH Huế cũng có tỷ lệ “chọi” dưới 1. Trong các mùa tuyển sinh trước, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế đều xảy ra tình trạng một số ngành phải tạm ngưng tuyển sinh vì quá ít hồ sơ đăng ký.
Tỷ lệ “chọi” cao nhất: 1/30
Theo thống kê từ các trường, đến thời điểm này tỷ lệ “chọi” theo ngành cao nhất là 1/30. Tỷ lệ “chọi” này thuộc ngành Kinh doanh thương mại (khối A, D1) của ĐH Cần Thơ.
Ngành này có tổng số hồ sơ ĐKDT 2.423 hồ sơ nhưng chỉ có 80 chỉ tiêu. Các ngành khác của trường như: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công nghệ thực phẩm, Quản lý tài nguyên môi trường, Quản lý đất đai, Giáo dục tiểu học đều có tỷ lệ chọi cao: 1 “chọi” 20 trở lên.
Với ĐH Sư phạm TPHCM, ngành có tỷ lệ “chọi” cao nhất là Giáo dục tiểu học: 1/26 (3.877 hồ sơ nhưng chỉ có 150 chỉ tiêu).
ĐH Huế có số hồ sơ tăng khoảng 10% so với năm ngoái (hơn 60.000 hồ sơ). Trường có tỉ lệ “chọi” cao nhất của ĐH Huế là ĐH Y dược: 7,61, tiếp đến là ĐH Nông lâm: 7,5, ĐH Kinh tế: 6,35, khoa Luật: 5,16, khoa Du lịch: 4,86…
Các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng có tỷ lệ “chọi” ở mức vừa phải: ĐH Ngoại ngữ tỉ lệ “chọi”: 3,16, ĐH Bách khoa: tỉ lệ “chọi” 5,59, ĐH Kinh tế có số lượng ĐKDT 13.692, chỉ tiêu 1.900, tỉ lệ “chọi” 7,21…
TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế TPHCM, khuyên rằng: Thí sinh đừng nên thấy tỷ lệ “chọi” cao mà sợ. Điểm chuẩn NV1 của các ngành tại các trường ĐH phụ thuộc vào chất lượng bài làm của thí sinh, chứ không phải vào tỷ lệ “chọi”. Nếu chất lượng bài làm thí sinh tốt thì điểm chuẩn sẽ cao.
Tỷ lệ “chọi” ở một số trường ở miền Bắc ĐH Bách khoa nhận được hơn 19.000, tăng gần 2.000; chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 là 5.200 hệ đại học (ĐH), và 800 hệ CĐ. ĐH Y Hà Nội có 14.500 đơn (năm 2012 là 18.500 đơn); chỉ tiêu tuyển sinh là 1.000. Viện ĐH Mở không tổ chức thi nhưng tuyển 2.000 chỉ tiêu chính quy và chỉ tiêu 900 liên thông, văn bằng 2. Học viện Tài chính nhận hơn 13.000 đơn; và có 3.350 chỉ tiêu; ĐH Kinh tế quốc dân có 22.000 hồ sơ và chỉ tiêu là 4.500; ĐH Khoa học Xã hội nhân văn (ĐHQG HN) có 6.000 hồ sơ và chỉ tiêu là 1.400. ĐH Sư phạm có 16.300 hồ sơ, tăng 1.000 với 2.700 chỉ tiêu. ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN có 16.469 hồ sơ và tuyển 5.000 người học. ĐH Thái Nguyên có 57.000 hồ sơ và tuyển 12.500 chỉ tiêu. ĐH Ngoại thương có 10.000 hồ sơ, tăng hơn 1.000; chỉ tiêu tuyển: 3.300; CĐ: 100. |