> Tăng cường đảm bảo VSATTP dịp Tết
Theo đó, qua việc lấy 207 mẫu hàng nông, lâm, thủy sản trong dịp Tết vừa qua, có tới 38 mẫu (chiếm hơn 18%) vi phạm về dư lượng thuốc BVTV, hóa chất (hàn the, nitrat). Với các mặt hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu (Trung Quốc chiếm 80%), thời gian tới, Cục sẽ tập trung kiểm tra một số hoạt chất, như: Thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ là 25 hoạt chất; thì trường Mỹ, New Zealand, Úc, Đài Loan 15 hoạt chất, các thị trường còn lại là 20 hoạt chất.
Ông Phạm Văn Đông, Phó cục trưởng Thú y cho biết, kiểm tra ở các địa phương cho thấy, vấn đề ATTP được các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở vào được chính quyền tỉnh quan tâm, thực hiện khá tốt, nhất là ở TP Hồ Chí Minh; các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội còn nhiều bất cập. Riêng chuyện kiểm soát giết mổ, TP Hồ Chí Minh làm tốt việc thịt đưa ra thị trường phải có dấu kiểm dịch, chở bằng xe chuyên dùng, có nhãn mác.
TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với 5 tỉnh vệ tinh chuyên cung cấp thực phẩm, cam kết thịt vào thành phố phải qua kiểm dịch. Còn Hà Nội, dù đến nay đã có nhiều văn bản hướng dẫn, thúc giục của Bộ, Cục, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.
“Hà Nội vừa rồi đưa ra quy hoạch khu giết mổ rất lớn, nhưng hiện các nhà máy giết mổ hiện đại của cả nhà nước và tư nhân đều hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Có nhà máy công suất giết mổ tới 400-500 con lợn/đêm, nhưng chỉ chạy được hơn chục con. Nguồn thịt chính cho Hà Nội phụ thuộc vào những điểm cắt tiết, vặt lông nhỏ lẻ”- ông Đông nói.
Còn ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối ví, vấn đề ATTP của Hà Nội cũng bế tắc như giao thông. Lâu nay, thành phố có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng làm quy hoạch khu giết mổ không tốt, nên quản lý cũng khó.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, năm nay, sẽ tập trung đánh giá sản xuất theo chuỗi, tìm ra điểm xung yếu thường xuyên vi phạm ATTP để làm quyết liệt. Từ tháng 2, khi phát hiện lô hàng nào vi phạm về ATTP, phải truy ngược trở lại, tìm ra xuất xứ để xử lý, thậm chí bắt thu hồi lại toàn sản phẩm.