Nhìn lại đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vừa qua tại TPHCM, ông đánh giá thế nào về chiến lược điều trị của chúng ta?
Như mọi người đã thấy dịch bệnh mới, luôn có sự thay đổi và biến chủng mới, do đó Bộ Y tế có rất nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị. Đến nay Bộ đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị COVID-19 với rất nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp, đồng thời Bộ cũng đưa nhiều thuốc mới vào điều trị.
Về cơ bản, trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4, chúng ta đã đưa ra 3 điểm quan trọng: xây dựng gói thuốc A - gồm những thuốc thông thường như hạ nhiệt, ho, thuốc bồi bổ sức khoẻ; đưa thuốc kháng viêm - kháng đông vào sử dụng sớm theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến, trực tiếp và áp dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lí, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.
Đối với thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thí điểm quản lí chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà, cộng đồng, với gần 250.000 liều được sử dụng.
Ông cho biết rõ thêm về kết quả thí điểm sử dụng thuốc này?
Kết quả bước đầu khả quan, tỉ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%. Giảm tử vong 50% so với nhóm không sử dụng. Đây là kết quả hứa hẹn với những bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị ngay từ đầu. Ngoài ra, các thuốc tốt trong điều trị bệnh nhân nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn |
Có thêm những thuốc gì để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?
Bộ Y tế chuẩn bị một số phương án về thuốc để điều trị bệnh nhân COVID-19, như thuốc Favipiravir, Avigan và đã có kế hoạch phân bổ cho các địa phương… Bộ cũng đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỉ lệ tử vong.
Hội nghị sơ kết lần này hướng đến mục tiêu giảm ca bệnh nặng, hạn chế tử vong, theo ông cần làm gì để đạt được điều đó?
Trong giai đoạn đầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, tỉ lệ ca mắc COVID-19 ở các địa phương có thể giảm hơn so với làn sóng thứ 4. Tỉ lệ tử vong đã giảm, con số tử vong có lúc giảm dưới 3 con số, chỉ khoảng 57-58 ca/ngày trên toàn quốc. Nhờ việc thử nghiệm các thuốc chống virus đường uống tại nhà, nhờ vắc xin chúng ta đã giảm được ca trở nặng và giảm tử vong. Đến hết tháng này, cơ bản chúng ta đạt tiêu chí về vắc xin cho 70% người trên 18 tuổi, kể cả đối tượng trên 65 tuổi. Chiến lược thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19, trong đó có Molnupiravir, góp phần giảm số ca trở nặng và tử vong.
Cảm ơn Thứ trưởng!