Hà Nội nên điều trị F0 thể nhẹ tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm công tác thường trực cấp cứu, thu dung, theo dõi, điều trị bệnh nhân theo mô hình tháp 3 tầng. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm công tác thường trực cấp cứu, thu dung, theo dõi, điều trị bệnh nhân theo mô hình tháp 3 tầng. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội cần mạnh dạn điều trị F0 thể nhẹ tại nhà vì hiện nay chủ yếu các ca mắc COVID-19 ở thủ đô đều thể nhẹ, không có triệu chứng.

Ông Nga nêu băn khoăn, có thể Hà Nội có lý do gì đó khi vẫn dừng lại ở mức “thí điểm”. “Nhiều tỉnh, thành phố đã cách ly, điều trị F0 tại nhà, kết quả rất tốt”, ông Nga nói. Vị chuyên gia này cho rằng, thậm chí, việc điều trị F0 tại nhà còn ít nguy cơ lây nhiễm hơn là cách ly F1 tại nhà.

“Các trường hợp F0 điều trị tại nhà đều có thông báo, có quyết định của chính quyền, sự giám sát của lực lượng chức năng. Hơn nữa, tâm lý của họ khi trở thành F0 rồi cũng sẽ không di chuyển ra bên ngoài. Với các trường hợp F1, nhiều khi họ nghĩ họ bình thường, không có yếu tố lây bệnh nên còn đi lại nhiều hơn”, ông Nga phân tích.

Một lý do nữa, theo ông Nga, hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin của người dân Hà Nội đã rất cao. Cùng với đó, tỷ lệ có triệu chứng nặng cũng rất thấp, trong 100 - 200 bệnh nhân chỉ có vài người bị nặng, phải nhập viện. Ngoài ra, việc cách ly, điều trị tại nhà có thể giúp F0 ổn định tâm lý, thậm chí họ vẫn có thể làm việc từ xa một cách bình thường, góp phần sớm ổn định được tình hình dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội.

“Hiện nay, việc cách ly tập trung, chữa bệnh tại các khu điều trị khiến hệ thống y tế quá tải, tốn kém cơ sở vật chất, nguồn lực. Người bệnh được điều trị tại nhà sẽ góp phần giảm tải cho cơ sở y tế, không gây tốn kém. Tôi nghĩ Hà Nội nên mạnh dạn hơn nữa trong vấn đề này”, ông Nga nêu ý kiến.

Được biết Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng thu dung, điều trị người mắc COVID-19 theo 3 giai đoạn: 10.000 ca mắc, 40.000 ca mắc, 100.000 ca mắc. Thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm công tác thường trực cấp cứu, thu dung, theo dõi, điều trị bệnh nhân theo mô hình “tháp 3 tầng” và phương châm “4 tại chỗ”.

Đáng chú ý, Hà Nội cho phép thu dung cách ly, điều trị người bệnh thể nhẹ và không triệu chứng tại Trạm y tế lưu động được tổ chức tại các địa điểm như: Trạm y tế; phòng khám đa khoa; nhà văn hoá; nhà thi đấu thể thao; trường học... Trước mắt, thí điểm tại 5 quận, huyện gồm: Trung tâm Văn hoá thể thao phường Thạch Bàn (Long Biên); Trường THCS Tiền Yên (Hoài Đức); Phòng khám đa khoa Minh Phú (Sóc Sơn); Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Thanh Trì (Thanh Trì); Trường Mầm non Lê Thanh A (Mỹ Đức).

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.