Nhiều lãnh đạo ngân hàng đưa 'người nhà' vào vị trí then chốt

Thượng tá Vũ Như Hà, trưởng phòng PC46, Công an TPHCM.
Thượng tá Vũ Như Hà, trưởng phòng PC46, Công an TPHCM.
TPO - Nhiều ngân hàng, lãnh đạo bố trí người thân trong gia đình vào các vị trí then chốt như tín dụng, kế toán, kinh doanh,... cùng ăn chia với nhau nên khả năng bảo vệ, che chắn, đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật rất cao.

Ngày 25/7, tại hội thảo nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tại TPHCM, Thượng tá Vũ Như Hà, trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TPHCM) cho biết, trong đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Lý do theo ông Hà nêu ra là, mối quan hệ giữa các bộ phận ngân hàng, giữa cán bộ ở các khâu quan trọng trong ngân hàng rất thân thiết. 

"Thậm chí ở nhiều ngân hàng, lãnh đạo bố trí người không đủ trình độ và người thân trong gia đình vào các vị trí then chốt như tín dụng, kế toán, kinh doanh,... cùng ăn chia với nhau nên khả năng bảo vệ, che chắn, đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật rất cao", thượng tá Vũ Như Hà nói. 

Ông Hà nhấn mạnh, việc phát hiện điều tra đối với tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mất rất nhiều thời gian. Điều này dẫn đến các đối tượng có đủ thời gian để đối phó với cơ quan điều tra. Phía ngân hàng chậm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ án. Thậm chí, một số trường hợp ngân hàng từ chối cung cấp tài liệu phục vụ điều tra. 

Đối với tội "tham ô tài sản", hiện nay chưa có hướng dẫn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp sở hữu bao nhiêu % vốn Nhà nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Chưa kể tỷ lệ thu hồi tài sản thiệt hại trong các vụ án tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thấp bởi các đối tượng phạm tội đã tẩu tán tài sản, tiêu xài cá nhân....

Do đó, theo ông Hà kiến nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng chặt chẽ hơn để tránh tình trạng rút ruột, lợi ích nhóm, lũng đoạn hoạt động của ngân hàng.

Theo VKSND TPHCM, nhóm đối tượng phạm tội làm việc trong các ngân hàng chiếm tỷ lệ 24,9% (gồm 126 bị can) chủ yếu là tổng giám đốc, giám đốc, các trưởng phòng ban, thủ quỹ,....Còn nhóm đối tượng ngoài ngân hàng phạm tội chiếm 75,1% (380 bị can). Tổng số 506 bị can (bao gồm số bị can do Bộ Công an khởi tố) phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng tại TPHCM. 
MỚI - NÓNG