Nhiều khó khăn, thách thức trong phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Đuối nước ở trẻ em là một vấn đề y tế công cộng quan trọng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Thống kê tại Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Dù tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, nhưng vẫn cao so với thế giới.

Trong 5 năm qua, tình hình tai nạn thương tích trẻ em đã giảm, đặc biệt là tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam đã giảm so với giai đoạn trước, từ 3.300 trẻ em tử vong do đuối nước năm 2010 xuống còn 2.350 em năm 2016; tới năm 2020 còn 2.085 em, và năm 2021 còn 1.990 em.

Giảm chậm

Theo các chuyên gia, trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam có chiều hướng giảm, nhưng chậm, và vẫn ở mức cao gấp 10 lần các nước phát triển. Một trong những khó khăn, thách thức lớn trong phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam là nhận thức còn hạn chế về nguy cơ đuối nước ở trẻ của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ.

Bên cạnh đó, trẻ em thiếu sự giám sát của cha mẹ và người lớn, hầu hết các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối, tắm gần các đập thuỷ điện và tắm biển không có người lớn đi kèm. Trẻ em thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều trẻ em chưa biết bơi an toàn. Chính do thiếu kỹ năng nên các em không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi, không biết cách cứu đuối gián tiếp mà nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước và dẫn đến tử vong nhiều em cùng một lúc.

Môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Nhiều nơi các giếng khơi và bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng. Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm.

Ngoài ra, việc dạy bơi cho trẻ em các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất các tỉnh miền núi nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở không có bể bơi tại trường. Ngoài cộng đồng, phần lớn ao, hồ, sông, suối ô nhiễm không sử dụng để dạy bơi được. Thiếu người dạy bơi, còn nhiều giáo viên thể dục không biết bơi.

Trong những năm gần đây, kinh phí ngân sách bố trí cho công tác phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế. Bên cạnh đó nhiều bộ ngành, địa phương chưa chủ động đề xuất các nhiệm vụ làm căn cứ bố trí thực hiện chương trình; còn nhiều địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa phân bổ kinh phí cho hoạt động phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em.

Nhiều khó khăn, thách thức trong phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam ảnh 1

Nhiều kiến nghị, đề xuất

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, để công tác phòng chống đuối nước trẻ em tiếp tục có những kết quả tích cực, các cấp ngành cần quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em riêng.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Luật trẻ em, pháp luật, chính sách đối với phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em; việc bố trí nhân lực, ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em. Quan tâm hơn trong việc quyết định phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm dành cho công tác trẻ em trong đó có công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em.

Đối với Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần triển khai quyết liệt và hiệu quả các Chương trình của Chính phủ về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; phòng, chống đuối nước trẻ em.

Triển khai hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em. Nghiên cứu rà soát tiêu chí Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn, rà soát các quy định, chính sách liên quan.

Nghiên cứu xây dựng chính sách về dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các vùng khó khăn; Tăng cường công tác thanh kiểm tra về phòng chống đuối nước trẻ em, kịp thời phát hiện và loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Thanh kiểm tra trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan trong các vụ việc gây đuối nước trẻ em, đặc biệt các vụ việc trẻ em tử vong đuối nước. Tăng cường thu thập thông tin, số liệu về tình hình đuối nước trẻ em. Triển khai các nghiên cứu, điều tra toàn quốc về tình hình đuối nước trẻ em…

MỚI - NÓNG