Hồ Ga Gia Lâm bị đổ thải, san lấp, lấn chiếm tại nhiều vị trí (khoanh tròn trong ảnh) nhưng chủ tịch phường nói "bận họp" |
Chủ tịch phường "bận họp"
Gần đây, bạn đọc liên tục phản ánh, tại một số địa phương, một số ao, hồ liên tiếp bị đổ thải, lấn chiếm gây bức xúc. Cụ thể, cuối tháng 12/2022, phóng viên báo Tiền Phong đã gửi ý kiến phản ánh của người dân tổ 4, 5 phố Gia Quất, phường Thượng Thanh (quận Long Biên) về việc hồ Ga Gia Lâm bị một số hộ dân “nhảy dù” lấn chiếm tại nhiều vị trí với diện tích hàng trăm m2. Cụ thể, tại khu vực ngõ 52 phố Gia Quất một số hộ dân đã đổ phế thải xây dựng. Có vị trí, một góc hồ vài trăm m2 đã biến mất để dành chỗ cho bãi vật liệu trái phép. Phía Ga Gia Lâm, một hộ dân khác cũng đang đổ rác thải xây dựng lấn hồ. Tại khu vực phía sau Trường Mầm non Gia Quất, một số hộ dân cũng đổ thải, đất để trồng rau… Lúc đó, ông Nguyễn Văn Bình, Tổ trưởng tổ dân phố số 5 cũng bức xúc và cho biết sẽ có ý kiến lên phường. Ông Bình cho hay, hồ Ga Gia Lâm trước đây rất lớn nhưng bị nhiều hộ dân lấn chiếm, đến nay có đoạn hai bờ hồ bị thu hẹp chỉ như một rãnh nước.
Phần lớn diện tích hồ Ga Gia Lâm đã bị lấp |
Sau nhiều lần liên lạc, ông Vũ Trọng Thư, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh chỉ trả lời qua loa rằng đã cử cán bộ xuống kiểm tra, lập biên bản yêu cầu người vi phạm trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, sau hai tháng những vi phạm nêu trên chưa được khắc phục. Nay, người dân tiếp tục phản ánh hiện tượng lấn chiếm hồ bằng rác thải xây dựng vẫn lén lút diễn ra. Và ngay cả khi UBND quận Long Biên giao trả lời báo Tiền Phong nhưng lãnh đạo phường Thượng Thanh vẫn thoái thác với lý do “bận họp”.
Có bắt cóc bỏ đĩa?
Ngày 16/12/2022, sau khi báo chí phản ánh tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại khu Ðầm Bông (quận Hoàng Mai) rộng khoảng 3,5ha, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký văn bản giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiểm tra, xử lý. Dư luận mong những sai phạm trong việc lấn chiếm hồ phải được xử nghiêm, tránh kiểu bắt cóc bỏ đĩa.
Đổ lỗi trách nhiệm
Theo khảo sát của phóng viên, tại khu vực hồ Đầm Đỗi là khu vực giáp ranh giữa phường Định Công, phường Thịnh Liệt, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cũng xảy ra việc đổ rác thải nhựa, gỗ xuống lòng hồ. Bà Bùi Thị Năm, người dân sống tại đây cho biết, phần đất nhà bà vốn nằm sát với mép nước hồ Đầm Đỗi. Nhưng 5 năm trở lại đây, một số đối tượng đã đổ rác thải là vật liệu xây dựng lần lòng hồ rồi dựng tôn với diện tích hàng trăm m2. Lý giải điều này, cán bộ thanh tra xây dựng phường Định Công cho biết, hồ Đầm Đỗi thuộc địa bàn phường Định Công nhưng phần đất liền kề lại thuộc địa bàn phường Thịnh Liệt và Đại Kim. Trước đây, khi báo chí phản ánh tình trạng này, UBND phường Định Công đã có ý kiến sang các phường giáp ranh và có biện pháp dựng cọc để chặn xe vào đổ thải. Tại khu vực ngõ 364 đường Giải Phóng, mép hồ Đầm Đỗi có một bãi thải, UBND phường sẽ tổ chức cắm cọc để ngăn chặn.
Tại khu vực Hồ Ngòi, sát với chung cư Mulberry Lane thuộc địa phận phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo người dân phản ánh, trước đây, Hồ Ngòi điều tiết nước cho khu vực dân cư ở đây. Nhưng từ năm 2018, nhiều hộ kinh doanh ngang nhiên lấn chiếm bằng hình thức đổ đất, cát, phế thải xây dựng chia hồ làm hai. Phần đất giữa lòng hồ bị lấn chiếm khoảng vài chục mét vuông, nổi lên “bất thường”. Trên phần đất lấn chiếm này được dựng nhà tạm bằng tôn mở để kinh doanh quán bia, tiệm sửa xe, dịch vụ câu cá, quán nước…
Vì sao Hà Nội chưa công bố danh sách ao hồ không được san lấp?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hồ tự nhiên bị lấp khiến cho thủy sinh hồ mất cân bằng, môi trường sống bị ô nhiễm, nảy sinh bệnh dịch. Đặc biệt, hồ tự nhiên có tác dụng như một túi chứa nước khi mưa lớn, khi hồ biến mất sẽ gây hiện tượng ngập lụt cục bộ.
Tại nhiều địa phương, ngay cả TP Hồ Chí Minh đã công bố danh sách hồ, ao, đầm không được phép san lấp. Còn Hà Nội thì chưa được công bố. “Nguyên nhân là do Hà Nội có quy hoạch mở rộng, sáp nhập với một số tỉnh… nên chưa có sự đồng bộ về thống kê, đánh giá thực trạng về hồ, ao, đầm. Ngoài ra, hệ thống quản lý, phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chưa đồng bộ, thống nhất”, PGS.TS Tiến nêu quan điểm.