Nhiều hãng vận tải đồng loạt tăng giá vé

Nhiều hãng vận tải đồng loạt tăng giá vé
TP - Mặc dù Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp (DN) vận tải tại các bến xe (BX) không tăng giá vé dịp Tết, nhưng những ngày qua, hơn 20 hãng vận tải đã đồng loạt tăng giá vé tới 60%.

> Vạ vật trên tàu về quê đón Tết
> Không lương thưởng Tết chẳng dám về quê

Phớt lờ chỉ đạo

Trước lễ ông Công, ông Táo (3-2) giá vé xe khách từ BX Giáp Bát về các huyện của tỉnh Ninh Bình chỉ 75.000 đồng/hành khách, nhưng hai ngày qua cũng với tuyến đường này nhiều hành khách ra BX Giáp Bát đã phải mua vé với mệnh giá 115.000 đồng/khách (tăng 53%).

Với các tuyến chạy về một số huyện của tỉnh Thanh Hóa như Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Sầm Sơn, Nông Cống… Giá vé cũng tăng từ 90.000 lên 95.000 - 120.000 đồng/hành khách (tăng gần 10%). Điều này cũng xảy ra tương tự với xe chạy tuyến Giáp Bát về các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đà Lạt...

“Cách đây một tháng từ Giáp Bát vào Đà Nẵng em đi xe của hãng vận tải Hải Vân chỉ hết 380.000 đồng, nhưng ngày 3-2 cũng với quãng đường đó quầy bán vé tại BX Giáp Bát đã thu của em 570.000 đồng (tăng 50%)”, Nguyễn Tuấn Hùng, sinh viên ĐH Bách khoa phàn nàn.

Tại bến xe Mỹ Đình, trong hai ngày qua, nhiều hành khách đi về các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng phản ánh, họ bị các nhà xe thu giá vé tăng từ 20 đến 60%, cá biệt có nhà xe thu tăng trên 100%.

Đơn cử, từ BX Mỹ Đình về Đô Lương (Nghệ An) trước 3-2 giá vé là 170.000 đồng/hành khách, nhưng Chủ nhật vừa qua cũng với quãng đường này quầy bán vé tại BX Mỹ Đình đã thu của hành khách 270.000 đồng/vé.

Thậm chí, từ Hà Nội về Vinh (Nghệ An) bình thường hãng vận tải Hưng Thành Travel thu 240.000 đồng/hành khách, nhưng vé đi vào ngày 6-2, hãng đã bán cho khách 500.000 đồng/vé (tăng gấp đôi).

Nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho hành khách dịp Tết Quý Tỵ, sáng 30-1 tại Cty Quản lý bến xe, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các DN vận tải tại các bến xe không được tăng giá vé. “Các DN, hãng vận tải đã làm ăn cả năm, dịp Tết phải chịu thiệt thòi một tý để người dân đi lại thuận lợi”, ông Linh nhấn mạnh.

Kiểm tra các DN tăng giá vé

Trước 3-2 giá vé Hà Nội-Vinh: 240.000/khách, nhưng cũng chặng đường này hãng Hưng Thành Travel bán cho khách đi ngày 6-2 là 1 triệu đồng/2 khách (tăng gấp đôi). Ảnh: Anh Trọng
Trước 3-2 giá vé Hà Nội-Vinh: 240.000/khách, nhưng cũng chặng đường này hãng Hưng Thành Travel bán cho khách đi ngày 6-2 là 1 triệu đồng/2 khách (tăng gấp đôi). Ảnh: Anh Trọng.
 

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tính đến đầu tuần này đã có tổng cộng 22 đơn vị vận tải tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội tăng giá vé. Bến xe có nhiều DN tăng giá vé nhất là Giáp Bát: 20 đơn vị - chạy về một số tuyến: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Lâm Đồng; BX Mỹ Đình: 2 đơn vị - chạy về Vinh (Nghệ An)…

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Cty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, hầu hết các DN vận tải này đã có kế hoạch tăng giá vé từ trước và giá vé tăng trên chỉ áp dụng cho dịp Tết, thời gian từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 2-2013.

Lãnh đạo Cty Quản lý BX Hà Nội cho rằng, đa số các DN tăng giá vé là từ các tỉnh đến, các thủ tục họ đều làm việc với địa phương rồi thông báo với bến xe. Còn các đơn vị vận tải Hà Nội đi các tỉnh chưa thấy thông báo tăng giá vé.

Một số DN vận tải lý giải, dịp Tết họ chỉ có khách chiều về, còn chiều đi hoàn toàn rỗng. “Để bù vào chi phí nhiên liệu cũng như nhân công lao động cho chiều không có khách buộc chúng tôi phải tăng giá vé để cắt lỗ”, đại diện hãng vận tải Tân Thành, chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội phân bua. Tuy nhiên, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tuy chiều đi rỗng khách nhưng cao điểm Tết chỉ diễn ra 3 ngày trước và sau Tết, sẽ hợp lý nếu DN tăng 30 đến 40% dịp này.

“Còn tăng 60 đến 100% trong vòng hơn 1 tháng là bất bình thường, cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý ngay hiện tượng lợi dụng này”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam yêu cầu.

Phản ứng trước việc nhiều DN vận tải lại phớt lờ yêu cầu trên, chiều qua ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các đơn vị vận tải hoạt động theo cơ chế tự hạch toán và việc tăng giảm giá vé cũng do DN tự quyết định.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, Sở đã giao cho các bến xe quản lý, nếu thấy các DN tăng giá vé bất hợp lý, có dấu hiệu cấu kết với nhau thì phải báo cáo cơ quan nhà nước.

“Lúc đó Sở GTVT sẽ có những cơ sở để xử lý. Với một số đơn vị tăng giá vé đến 60% chúng tôi sẽ cho lực lượng kiểm tra việc này”, ông Linh nhấn mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.