Sáng 29/10, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) và Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức Vòng thi Giải pháp sáng tạo trong khuôn khổ Cuộc thi Sáng tạo KHCN dành cho học sinh THPT toàn quốc (U-Invent 6).
Các thí sinh có 10 phút để trình bày về ý tưởng sáng tạo và giải đáp thắc mắc từ BGK. Ảnh: Giang Thanh |
Năm nay, cuộc thi lấy chủ đề "Bridging Innovations for a Better Life: Leave No One Behind” (Giải pháp sáng tạo cho cuộc sống tốt đẹp hơn: Không ai bị bỏ lại phía sau).
Chủ đề cuộc thi khuyến khích, truyền cảm hứng cho học sinh THPT sáng tạo các dự án hướng đến cộng đồng, đặc biệt là những nhóm đối tượng yếu thế để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Năm nay, U-Invent thu hút 155 học sinh đến từ 26 trường THPT trên toàn quốc đăng ký tham gia, thành lập 38 đội thi với rất nhiều ý tưởng sáng tạo xoay quanh chủ đề Giải pháp sáng tạo cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhóm Mèo đi hia đến từ trường THPT Hòa Vang (Đà Nẵng) mang đến sản phẩm Cyberparary, tự động phát hiện nội dung bắt nạt hoặc xuyên tạc trên Internet |
Mang đến cuộc thi sản phẩm Cyberparary, nhóm học sinh đến từ trường THPT Hòa Vang (Đà Nẵng) mong muốn hỗ trợ người dùng internet trong việc phát hiện bắt nạt, thông tin xuyên tạc qua việc quét thông tin văn bản bằng cách thiết lập code cho AI cài vào máy tính như tiện tích của Google.
Bên cạnh đó, nhiều dự án khác cũng tập trung vào hỗ trợ các nhóm yếu thế trong học tập, tham gia hoạt động... để dễ dàng hòa nhập như: Happy Home - Mô hình nhà thông minh dành cho người khuyết tật vận động; Dù tự động cho xe lăn; Giải pháp hỗ trợ phụ huynh can thiệp nhà trẻ tự kỉ ở lứa tuổi mầm non (dưới 6 tuổi) thông qua các bài tập phát triển kỹ năng (nhóm học sinh đến từ trường THPT Phan Châu Trinh); Hệ thống nhận diện cảm xúc hỗ trợ trẻ em học tập ngôn ngữ Tiếng Anh thông qua âm nhạc (nhóm học sinh Trường TH, THCS, THPT Sky Line)....
Các đội thi nhận được sự đồng hành của 40 chuyên gia trong các lĩnh vực để hoàn thiện sản phẩm từ ý tưởng. |
Cuộc thi nhận được sự đồng hành của 40 chuyên gia trong các lĩnh vực: KHCN, Kinh tế xã hội và Kỹ thuật. Xuyên suốt cuộc thi, các chuyên gia sẽ vừa là giám khảo, vừa là cố vấn, huấn luyện viên để hỗ trợ, tư vấn, góp ý chuyên sâu cho các dự án, giúp các nhóm hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm hữu hình và có tiềm năng ứng dụng trong tương lai.
Tại Vòng thi Giải pháp sáng tạo, các đội thi có 5 phút thuyết trình và 5 phút trả lời câu hỏi của BGK, các đội thi ở xa tham gia trực tuyến qua nền tảng Microsoft Teams. Sau phần trình bày từ 38 đội thi, BGK chấm chọn 25 ý tưởng xuất sắc nhất tiếp tục tranh tài trong Vòng Trình bày Mẫu thử (Prototype Day).
U-Invent là sự tranh tài của 38 đội thi với 155 học sinh đến từ 26 trường THPT trên toàn quốc |
Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, U-Invent là sân chơi được tổ chức thường niên nhằm khuyến khích các bạn học sinh THPT tìm hiểu và sáng tạo Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật, vận dụng kiến thức học đường để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.
"Qua 6 lần tổ chức, U-Invent đã tìm kiếm được nhiều nhóm học sinh xuất sắc, tiếp tục bồi dưỡng và tham gia các cuộc thi đổi mới sáng tạo thường niên cấp cao hơn như: Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia (ViSEF) hay Cuộc thi Quốc tế Invent for the Planet (IFTP) được tổ chức tại Đại học Texas A&M (Hoa Kỳ)...", TS Hương nói.