Nhiều gia đình cháy nhà có chỗ ở tạm

Khu tập thể C2 – nơi các hộ dân được bố trí chỗ ở tạm. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Khu tập thể C2 – nơi các hộ dân được bố trí chỗ ở tạm. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - 19/35 hộ dân có nhà bị cháy tại khu tập thể nhà gỗ C8 (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hôm 26-8, đã được bố trí ở tạm tại khu tái định cư A2 Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội).

> Hỗ trợ hơn 200 triệu cho 35 hộ bị cháy nhà

Khu tập thể C2 – nơi các hộ dân được bố trí chỗ ở tạm. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Khu tập thể C2 – nơi các hộ dân được bố trí chỗ ở tạm.
Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Tạm cư

Sáng 27-8, cơ quan chức năng vẫn tiến hành phong toả, khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hoả hoạn xảy ra tại khu tập thể nhà gỗ C8 (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hiện trường vụ cháy còn lại chỉ là đống tro tàn, đổ nát. Các con ngõ dẫn vào khu nhà gỗ bị cháy đều bị phong tỏa. Người dân vẫn đứng chật kín lối đi vào khu vực vừa bị cháy nhìn ngó, bàn luận, xót xa.

Chiều 27-8, bà Phạm Thị Xuân Mai, Chủ tịch phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, sau vụ hoả hoạn sáng 26-8, chính quyền phường phối hợp với UBND TP Hà Nội giải quyết cho 19/35 hộ chuyển sang tạm cư ở khu A2 Phú Thượng (Tây Hồ).

Đây là những hộ gia đình có hộ khẩu, sinh sống thường xuyên ở khu vực trên, có xác nhận của tổ dân phố sở tại. Những hộ gia đình khác còn thiếu giấy tờ, bổ sung trong ngày 27 - 8 và chính quyền sẽ giải quyết tiếp.

UBND quận Hoàn Kiếm đã trích tiền ngân sách để hỗ trợ sáu triệu đồng một người sống tại đây, một triệu đồng cho người thuê trọ.

Các hộ dân lau dọn nhà cửa tại phòng ở tạm
Các hộ dân lau dọn nhà cửa tại phòng ở tạm.

Sẻ chia

Sau khi được bố trí chỗ ở tạm tại khu tập thể A2 phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), các hộ dân phải mua sắm chăn màn, chiếu, xoong nồi để sinh hoạt qua ngày.

Cả đêm qua, nhiều hộ dân thức trắng, dù mệt mỏi sau một ngày dài chạy hỏa hoạn. Sáng 27-8, nhiều hộ vẫn đang lau dọn nhà cửa.

Bà Nguyễn Thị Minh (SN 1958), một trong những hộ dân bị cháy nhà, cho biết, gia đình được sắp xếp ở phòng 213, khu tập thể A2, phường Phú Thượng. Toàn bộ số tiền sáu triệu đồng được hỗ trợ, bà dành mua chăn màn, giường chiếu, xoong nồi, vài bộ quần áo.

Hiện các hộ dân vẫn chưa biết sẽ phải ở tạm đến bao lâu và được hỗ trợ giải quyết như thế nào
Hiện các hộ dân vẫn chưa biết sẽ phải ở tạm bao lâu và được hỗ trợ giải quyết như thế nào.

Gia cảnh bà Bùi Thị Sự (SN 1949, quê Trúc Sơn, Hà Nội), ở phòng 19, gác 2, khu tập thể C8 bị cháy, cũng khốn khổ không kém.

Thường ngày, hai vợ chồng bà cùng hai người con sống chật vật trong căn phòng 18m2. Vợ chồng về hưu, có tuổi, hàng ngày chỉ bán quán nước vỉa hè kiếm thêm đồng trang trải cuộc sống.

Vụ hoả hoạn sáng 26-8 đã thiêu rụi tất cả đồ đạc, vật dụng của gia đình. Hiện, gia đình bà Sự được bố trí ở tạm phòng 310, tầng 3, khu tập thể A2.

Biết tin, người thân ở quê cũng lên thăm hỏi. Người mua gạo, bánh, sữa, người lại mua cho nồi cơm, móc quần áo…

Anh Nguyễn Mạnh Hà (SN 1976), con bà Sự mệt phờ vì cả ngày chạy ngược xuôi dọn phòng mới, sắp xếp đồ đạc.

Hộ bà Phạm Kim Thu (có ba người) được bố trí ở phòng 202, rộng khoảng 43m2, cho biết, các hộ ở đây vẫn đang phải chịu cảnh không có điện, nước, trần nhà ẩm mốc rất khó chịu.

Theo bà Thu, già đình không biết ở tạm bao lâu nên không mua nhiều đồ dùng.

Di dời

Theo bà Phạm Thị Xuân Mai, Chủ tịch phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trên địa bàn phường trước đây có tổng cộng 17 khu tập thể nhà gỗ. Những khu tập thể này được dựng lên từ những năm 50 thế kỷ trước. Hiện tại, chúng đã xuống cấp trầm trọng.

Năm 2006 - 2007, nhà nước đã di dời bảy dãy nhà xuống cấp nghiêm trọng với 274 hộ dân về các khu tái định cư ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Nghĩa Đô (Cầu Giấy).

Đến năm 2007, xảy ra cháy tại khu nhà 13. Một số hộ gia đình đã được di dời sang phường Đức Giang (quận Long Biên). Những gia đình còn lại tự tìm chỗ ở mới. Sau vụ cháy ngày 26 - 8, còn lại tám khu tập thể nhà gỗ trên địa bàn.

Cũng theo bà Mai, trước khi vụ cháy xảy ra, phường và quận vẫn luôn xác định đây là những khu nhà được xây dựng đã lâu năm, cũ nát. Phường, quận, cũng như thành phố đã nhiều lần nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân về vấn đề này và đã nhiều lần vào cuộc.

Hiện thành phố vẫn rất quan tâm, tính toán phương án tiếp tục giải quyết cho những hộ gia đình còn lại.

Sẽ di dời đi đâu, giải tỏa như thế nào, tính tổng thể hay tính từng nhà, cấp phường đến thành phố vẫn đang tính toán phương án - Bà Mai nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG