Nhiều dự án biệt thự, liền kề ‘vỡ mộng’ thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dòng vốn bất động sản đang "tắc" khiến thị trường bất động sản suy giảm. Nhiều chủ đầu tư dùng đủ cách như chia nhỏ sản phẩm, cam kết cho thuê... nhưng thanh khoản vẫn khó .

Nếu như cách đây 2 năm, biệt thự, liền kề lên ngôi khi giá tăng gấp đôi, thanh khoản tốt thì nay phân khúc này rơi vào cảnh "chợ chiều".

Chưa bao giờ, khách hàng mua biệt thự, liền kề lại dễ dàng và nhiều ưu đãi như thời gian này. Mới đây, một chủ đầu tư tại Bình Thuận đưa ra nhiều chương trình chiết khấu với tổng giá trị lên đến 9,5%. Hay như tại một dự án tại Đồng Nai, chủ đầu tư cam kết cho thuê từ 30- 100 triệu đồng/tháng liền kề, biệt thự...

Nhiều dự án biệt thự, liền kề ‘vỡ mộng’ thanh khoản ảnh 1

Các dự án nhà liền kề, biệt thự khó bán trong giai đoạn hiện nay.

Còn một dự án shophouse tại Bình Dương, khách được tặng ngay hai năm phí quản lý, cùng phương thức thanh toán linh hoạt, chia nhỏ thành nhiều đợt kéo dài đến 15 tháng.

Theo bà Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, thanh khoản thị trường bất động sản giảm sút trầm trọng, đặc biệt là phân khúc liền kề, biệt thự. Nguyên nhân do nguồn vốn tín dụng ngân hàng đang khó tiếp cận, không chỉ nhà đầu tư mà người mua nhà cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Đăng - Giám đốc một sàn giao dịch tại Mê Linh (Hà Nội) - cho biết: "Trước đây, văn phòng luôn tấp nập người ra vào. Nay, cả ngày không có khách ghé văn phòng,".

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chậm lại thanh khoản trên thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội, anh Đăng cho rằng, hậu COVID-19, người mua nhà đang ngày càng càng thận trọng hơn tham gia thị trường khi giá bán tăng cao và nhiều dự án không đảm bảo về mặt pháp lý.

Theo ông Đăng, mức giá biệt thự liền kề hiện đang ở mức rất cao, do đó dư địa cho việc tăng giá không còn nhiều trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Báo cáo tổng quan tình hình bất động sản quý III của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, nguồn cung trên thị trường Hà Nội khoảng 3.600 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các quý trước được tiếp tục chào bán ra thị trường; tập trung chủ yếu tại các quận, huyện vùng ven Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông…

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhìn chung, giá bất động sản nhà ở trong quý III trên địa bàn Hà Nội khá trầm lắng, không có biến động lớn do nhu cầu không cao, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong quý III, ước lượng giao dịch trên thị trường chỉ đạt khoảng 10% lượng chào bán với hơn 600 giao dịch.

Đáng chú ý, đối với sản phẩm nhà ở thấp tầng (nhà liền kề, biệt thự), lượng giao dịch rất thấp, gần như không có giao dịch do giá bán cao. Các dự án nhà ở thấp tầng tại quận Hà Đông, Hoàng Mai có giá khoảng 200 triệu đồng/m2; tại huyện Mê Linh, một số dự án cũng bị đẩy lên đến 100 triệu đồng/m2...

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.