Nhiều dự án bất động sản vừa tiền 'trình làng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bất động sản khu vực phía Nam đang có dấu hiệu phục hồi trở lại khi một số chủ đầu tư tung ra các căn hộ vừa túi tiền để dẫn dắt thị trường bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Chỉ dấu hồi phục

Gần đây, một số doanh nghiệp đã giới thiệu với công chúng các dự án căn hộ “vừa túi tiền”.

Một chủ đầu tư có tiếng vừa giới thiệu và công bố tiến độ triển khai dự án 1.100 tỷ đồng ở TPHCM. Đây là dự án đã được khởi công xây dựng giữa tháng 12/2023, hiện thi công phần hầm móng đã đạt khoảng 30% khối lượng. Dự kiến dự án này sẽ bàn giao nhà vào quý II/2026. Dự án này cung cấp ra thị trường 780 căn hộ có diện tích từ 42 - 72 m2 với giá bán dự kiến 1,4 - 2,2 tỷ đồng/căn.

“Dù có mức giá mềm nhưng các căn hộ đều có nội thất theo tiêu chuẩn cao cấp. Đây chính là bước đi “ngược gió” tạo nên sự khác biệt của dự án khi đáp ứng dòng sản phẩm thị trường đang khan hiếm - cũng là phân khúc được số đông khách hàng tìm kiếm”, tổng giám đốc một công ty địa ốc nói.

Nhiều dự án bất động sản vừa tiền 'trình làng' ảnh 1

Một số doanh nghiệp tổ chức giới thiệu các dự án căn hộ “vừa túi tiền” ra thị trường.

Một dự án căn hộ tại Long An được xây dựng trên diện tích khoảng 2 ha với 5 block cao 17 - 18 tầng, cung cấp ra thị trường gần 1.700 căn hộ có diện tích từ 38 - 88 m2. Căn hộ này có giá dự kiến từ 20 - 24 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư và đơn vị phát triển cũng vừa ký kết hợp tác dự án căn hộ cao cấp tại Vĩnh Hải, Nha Trang, Khánh Hoà. Dự án sẽ ra mắt thị trường vào tháng 5 với giá chỉ từ 1,5 tỷ/ căn, sở hữu lâu dài.

Một dự án gần 5.000 căn hộ ở TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương cũng được tái khởi động sau 2 năm ngừng thi công vì thiếu vốn và vướng mắc pháp lý. Dự án này là tổ hợp căn hộ, trung tâm thương mại cao tầng có diện tích đất 3,73 ha, gồm 8 block cao 40 tầng, tổng mức đầu tư 8.282 tỷ đồng.

Những sự chuyển động kể trên là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản phía Nam sau 2 - 3 năm gần như tê liệt.

Giảm lợi nhuận

Nhận định về thị trường trong giai đoạn tới, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho biết, hai tháng đầu năm, bất động sản cả nước và TPHCM tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn, là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều nhất và trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu bất động sản cùng với cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường.

Theo ông Châu, với đà phục hồi như hiện nay, thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm nay, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.

Tuy nhiên, sau thời kỳ tăng trưởng “nóng” ở tất cả các phân khúc, thị trường bất động sản bộc lộ nhiều hạn chế về lệch pha cung cầu, nhiều khu đô thị bỏ hoang, nhà ở bình dân khan hiếm…

Nhiều dự án bất động sản vừa tiền 'trình làng' ảnh 2

Bất động sản cả nước và TPHCM tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn.

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group - cho rằng, giá nhà phụ thuộc vào các yếu tố chính như chi phí tạo lập quỹ đất, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng, chi phí tài chính, kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp… Trong số này, doanh nghiệp chỉ có quyền tự quyết đối với yếu tố lợi nhuận kỳ vọng, còn các yếu tố khác nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Theo ông Phúc, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp phát triển bất động sản hiện nay là tìm kiếm quỹ đất phù hợp nhưng quỹ đất này càng lúc càng khan hiếm, giá cao. Với tiền sử dụng đất, thời gian qua tăng rất mạnh, tính bằng lần. Sắp tới khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, giá đất được được định theo thị trường, chắc chắn tiền sử dụng sẽ tăng hơn nữa. Chi phí xây dựng, có cái giảm nhưng cũng có cái tăng rất mạnh, chẳng hạn như chi phí hệ thống phòng cháy chữa cháy, tiền nhân công…

“Hơn ai hết, chúng tôi là người mong giảm giá để bán hàng nhanh nhưng các chi phí phát triển dự án đều tăng cao. Tất cả đều phải đưa vào giá bán. Để chủ động giảm giá căn hộ, doanh nghiệp buộc phải giảm kỳ vọng lợi nhuận, như với Phú Đông Group thì mức kỳ vọng lợi nhuận đối với mỗi dự án chỉ từ 10-15%”, ông Phúc nói.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.