Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC - có trụ sở tại phường Bến Thành, quận 1, TPHCM) vừa có thông báo về việc cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhân sự. Theo đó, HDTC sẽ tạm dừng hoạt động vì nguồn tài chính đang vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để trả lương cho cán bộ, nhân viên.
Để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời gian hiện nay, Hội đồng quản trị HDTC thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Đinh Chí Minh thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26/11 cho đến khi công ty có thông báo mới.
Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26/11 cho đến khi công ty có thông báo mới. Ảnh: SGGP. |
Hồi tháng 10, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư thuộc Cục Hải quan TPHCM đã ngưng làm thủ tục thông quan hàng hóa trong thời hạn 1 năm đối với HDTC do nợ thuế nội địa hơn 100 tỷ đồng, quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Quyết định cưỡng chế được thực hiện theo đề nghị của Cục Thuế TPHCM, có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 10/10 và chỉ chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
Đến cuối tháng 10, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đang điều tra làm rõ các sai phạm tại Tổng công ty Vinafood 2 và một số đơn vị liên quan. Công an xác định, ông Huỳnh Thế Năng (64 tuổi, cựu Tổng giám đốc Tổng công Vinafood 2) và Đinh Trường Chinh (49 tuổi, cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân) đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất khu đất số 33 Nguyễn Du và 34 - 36 - 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1) gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 2 cá nhân trên về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
HDTC là tiền thân công ty nhà nước, đã được cổ phần hóa năm 2016 với vốn điều lệ 2.241 tỷ đồng, là công ty thành viên trực thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (sở hữu 30% vốn điều lệ). Trong đó, ông Đinh Trường Chinh hiện là một trong những cổ đông cá nhân của HDTC.
Tuy nhiên, đại diện HDTC khẳng định, sự việc trên sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ định hướng phát triển dài hạn và hoạt động bình thường của HDTC trong thời gian sắp tới.
Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội là chủ đầu tư dự án Hanoi Time Tower tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú, Hà Đông. Ảnh: VNM. |
Tương tự, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (mã chứng khoán: PVR) cũng tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 15/11 đến ngày 14/11/2024. PVR đã nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cấp về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 1 năm. Lý do để doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.
Hôm 31/10, Hội đồng quản trị PVR đã ra quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trong đó nêu ra việc bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023 doanh nghiệp không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh phí hoạt động. Việc tạm ngừng là thời gian để công ty xem xét tìm kiếm giải pháp, phương hướng để công ty có tài chính hoạt động trở lại.
Tại báo cáo tài chính quý III của PVR, mục doanh thu để trắng nhưng vẫn phải trả chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp. Kết quả PVR lỗ 77 triệu đồng quý III. Lỗ lũy kế tại 30/9 gần 79 tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính 2022 của PVR, đơn vị kiểm toán lưu ý về một số khoản đầu tư của PVR vào Công ty CP Xây lắp dầu khí (21,35 tỷ đồng) và Công ty CP Khách sạn dầu khí Lam Kinh (5 tỷ đồng). Ngoài ra, PVR còn chịu rủi ro khi dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên bị thu hồi.
Trước đó, Hội đồng quản trị Công ty CP Licogi 166 (mã chứng khoán: LCS) công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, từ 15/3 đến ngày 14/3/2024 do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Hội đồng quản trị Licogi 166 cho biết, tạm ngừng để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Việc tạm ngừng kinh doanh đã nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Licogi 166. Đồng thời, theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2023, cổ đông đã thông qua việc tạm dừng hoạt động của công ty, cũng như thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.
Thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh. |
Năm 2022, Licogi 166 ghi nhận doanh thu gần 3,4 tỷ đồng, chỉ thực hiện được 4% kế hoạch và lỗ trước thuế hơn 98 tỷ đồng, trong khi năm 2021 con số này là 67 tỷ đồng. Cổ phiếu LCS của Licogi 166 cũng đã bị HNX đình chỉ giao dịch từ tháng 8/2022.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện nhưng chưa hoàn toàn và diện rộng. Mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Nhiều nơi đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, “sống bằng niềm tin” thị trường sẽ khôi phục cuối năm nay.
9 tháng đầu năm, lượng giao dịch mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ và bằng khoảng 20% so với giai đoạn sốt đất. VARS chỉ ra, do thị trường vẫn thiếu vắng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, giá cả tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại.