Sáng 5/8, hơn 20 cán bộ, nhân viên thuộc Công ty Cổ phần Cơ điện Liên Thành Việt Nam (Lithaco) đã tập trung trước văn phòng của nhà thầu GS E&C của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) để giăng biểu ngữ phản đối tổng thầu này vi phạm hợp đồng, gây khó khăn cho công nhân trong thời gian dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo phản ánh, Công ty Lithaco ký Hợp đồng với nhà thầu chính GS từ năm 2017, gói thầu CP2 - Đoạn trên cao và Depot thuộc tuyến metro số 1. Từ khi mới ký hợp đồng, Cty GS đã yêu cầu Lithaco thi công trên bản vẽ thiết kế tạm thời.
Sau đó, bản vẽ thiết kế chính thay đổi khối lượng hơn 70% so với hợp đồng ban đầu nên nhà thầu phụ đã đệ trình dự toán điều chỉnh theo thiết kế mới. Tuy nhiên, Cty GS không duyệt mà ép nhà thầu phụ nhập vật tư theo hợp đồng ban đầu. Vì vậy, nhà thầu phụ là Cty Lithaco đã không thực hiện. Do đó, Cty GS đã gây áp lực bằng nhiều thư từ và dừng thanh toán từ tháng 12/2019 và kết thúc hợp đồng.
"Trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cty GS lại cắt hợp đồng, không thanh toán khối lượng khiến công nhân chúng tôi vô cùng khốn khổ trong hơn nửa năm qua vì không có tiền trả nợ, tiền phòng trọ và ăn uống. Nhiều người phải đi làm thêm các công việc khác để trang trải cuộc sống", một công nhân Cty Lithaco nói.
Sau khi kết thúc hợp đồng, trong khi hai bên đang thương thảo, đối chiếu khối lượng kết toán khối lượng còn lại thì ngày 31/7 Cty GS gởi thư ra ngân hàng BIDV Bình Tân yêu cầu rút bảo lãnh khiến lãnh đạo, nhân viên Lithaco bức xúc.
"Việc hai bên đang thương thảo, đối chiếu và chưa đi đến thống nhât nhưng Cty GS yêu cầu ngân hàng rút bảo lãnh làm tổn hại uy tín, danh dự, và gây hậu quả rất nặng nề cho công ty Lithaco, như mất tín chấp từ ngân hàng tài trợ BIDV", ông Trần Quốc Tâm, Tổng giám đốc Lithaco nói.
Theo ông Tâm, việc Cty GS ngừng thanh toán từ tháng 12/2019 đến nay khiến Cty ông không đủ kinh phí để trả lương cho nhân viên trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Lithaco đã làm đơn gửi cơ quan chức năng và khởi kiện Cty GS ra tòa để đòi quyền lợi.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 5/8, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (BQL) cho biết, mặc dù không thuộc trách nhiệm của mình nhưng với vai trò Chủ Đầu tư của dự án Metro số 1, ngay từ đầu BQL đã nhiều lần làm việc trực tiếp với tổng thầu gói thầu CP2. BQL yêu cầu tổng thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, nhanh chóng giải quyết vấn đề này, không được để tình trạng khiếu nại làm đình trệ công việc và ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Đồng thời phải giải quyết các phát sinh, tranh chấp phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật và hợp đồng đã ký.
Bên cạnh đó, ngày 29/7 vừa qua, BQL đã mời Tổng thầu gói thầu CP2, Nhà thầu GS E&C và nhà thầu Lithaco đến để thảo luận giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên đại diện Lithaco đã không tham dự cuộc họp này. Tại cuộc họp, Tổng thầu gói thầu CP2 và nhà thầu GS E&C một lần nữa xác nhận trách nhiệm giải quyết sự việc với Lithaco hoàn toàn thuộc trách nhiệm của nhà thầu GS E&C và không liên quan đến chủ đầu tư.
Đại diện BQL cho biết, sự việc liên quan đến Lithaco không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng tuyến metro số 1. BQL đã phối hợp với chính quyền địa phương và các bên liên quan để xử lý, giải tán tụ tập ngay trong sáng ngày 5/8.
"Dự án metro số 1 là dự án ODA trọng điểm của TPHCM. Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế nên nhà thầu trong nước hay nhà thầu nước ngoài tham gia dự án metro số 1 với vai trò nhà thầu chính hay nhà thầu phụ đều bình đẳng và phải tuân thủ theo đúng các điều kiện trong hợp đồng đã ký giữa 2 bên, thực hiện đúng các trình tự thủ tục của pháp luật Việt Nam và quốc tế trong quá trình xử lý tranh chấp nếu có phát sinh", đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM khẳng định.