Nhiều cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Thanh Hóa bỗng héo chết

Hai cổ thụ được công nhận là cây di sản ở Phú Yên (Thọ Xuân) chết khô mà chưa rõ nguyên nhân
Hai cổ thụ được công nhận là cây di sản ở Phú Yên (Thọ Xuân) chết khô mà chưa rõ nguyên nhân
TP - Tại Thanh Hóa, nhiều cổ thụ hàng trăm năm tuổi bất ngờ héo khô rồi chết sau khi được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Tại xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), cây gạo cổ thụ ở ven sông Chu có tuổi đời khoảng 600 năm đã héo khô, rụng lá, thân cây đang mục dần. Cây gạo này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận “Cây di sản Việt Nam” vào cuối năm 2015.

Khi còn sống, cây có đường kính phần gốc khoảng 4m.Sau gần 2 năm được công nhận là cây di sản, cây gạo bỗng nhiên bị bệnh, héo dần rồi chết. Tuy bị gãy cành và cháy cụt, nhưng phần gốc và thân của cây vẫn còn vững chãi, cao khoảng 25m, với lớp than đen bao phủ. 

Theo ghi chép của địa phương, nơi có cây gạo bị chết chính là An Lãng trang,  cách đây hơn 500 năm cũng là nơi dừng chân của Lê Lợi, khi dẫn quân từ vùng núi Thanh Hóa tiến về đồng bằng, đuổi giặc Minh xâm lược. Dưới gốc cây gạo này, năm 1967 đã diễn ra lễ truy điệu sống của một trung đội nữ dân quân, trước giờ đi tháo bom nổ chậm của máy bay Mỹ ném xuống phá đê sông Chu. Cạnh cây gạo là một ngôi đền cổ…

Ngoài huyện Thọ Xuân, một số cổ thụ khác được công nhận là Cây di sản Việt Nam có tuổi đời hàng trăm năm cũng đã bị chết như  cổ thụ ở làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa (Nông Cống);  cổ thụ ở làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa)...

Trong số những cây bị chết, có nhiều cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi cây chết hoặc có biểu hiện cây bị bệnh, chưa có một tổ chức, cá nhân nào có chuyên môn về lĩnh vực này tìm hiểu, nghiên cứu để hạn chế tình trạng cây di sản, cổ thụ khô chết.

MỚI - NÓNG