Nhiều chung cư ở Hà Nội có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn

TP - UBND, HĐND thành phố Hà Nội đã chỉ ra nhiều chung cư vi phạm về PCCC, thậm chí chưa được nghiệm thu đã đưa người dân vào ở. Mới đây, sau vụ cháy ở TP HCM, nhiều ý kiến lo ngại về thực tế sử dụng tầng hầm ở các chung cư này. Nếu không đảm bảo về PCCC, nó sẽ như những quả bom hẹn giờ, tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa lớn.

UBND thành phố Hà Nội vừa thông tin, toàn thành phố hiện có 1.075 nhà, công trình cao tầng, chung cư cao tầng. Trong đó, có 17 công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn các tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định hiện hành.

Có thể kể đến các dự án chung cư mini Bồ Đề (ngõ 193 Bồ Đề); khu nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc; tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở (số 88 Tô Vĩnh Diện); tòa nhà chung cư cao tầng (số 46/230 Lạc Trung); tòa nhà chung cư (89 Phùng Hưng - Phúc La, Hà Đông); nhà chung cư 30 tầng BMM khu đô thị Xa La của Cty Sản xuất thương mại BMM; trung tâm thương mại nhà ở cao tầng số 27 Lạc Trung của Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh của Cty CP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam...

Mới đây, đoàn công tác của Ban Đô thị HĐND thành phố cũng đi giám sát việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng chung cư trên địa bàn một số quận ở Hà Nội, phát hiện nhiều chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng. Đơn cử như ở Bắc Từ Liêm, theo báo cáo của chính quyền quận, có nhiều chung cư hoàn thành, bàn giao cho cư dân vào ở nhưng chưa được nghiệm thu về công tác PCCC theo quy định như chung cư N02-T1 Xuân Tảo, N03-T1 Xuân Tảo, T6-08 Cổ Nhuế, CT2A, CT2B phường Cổ Nhuế 1.

Chiều 26/3, ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại tầng hầm nhà chung cư 30 tầng BMM khu đô thị Xa La của Cty Sản xuất thương mại BMM cho thấy có rất nhiều nguy cơ cháy nổ. Một số vị trí hộp cứu hỏa bị che lấp bởi xe máy. Tầng hầm chỉ mở một cửa, cửa thoát hiểm còn lại được đóng kín bằng cửa sắt.

Tại tòa nhà chung cư Capital Garden 102 Trường Chinh, khu vực sảnh ra vào vẫn chăng đầy băng rôn, khẩu hiệu của người dân yêu cầu chủ đầu tư nghiệm thu PCCC, đề nghị mở lối thoát hiểm tầng 1 cho cư dân. Phía dưới tầng hầm, xe máy, ô tô xếp chung với nhau, nhiều vị trí che khuất tủ phòng cháy dù có thông báo không được đỗ xe. Có nơi, ống nước cứu hỏa bị vứt giữa sàn hầm.

Phóng viên cũng tìm đến chung cư N02-T1 Xuân Tảo, N03-T1 Xuân Tảo. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi tòa có 2 tầng hầm, xe máy, ô tô để xen kẽ với nhau. Một vài khu vực hộp phòng cháy chữa cháy không thấy đèn sáng. Phóng viên nêu câu hỏi về việc nghiệm thu PCCC của tòa nhà, một bảo vệ trả lời: Không biết.

“Bình đầy đủ nhưng nhiều khi hết hạn rồi”

Liên quan đến 17 công trình lớn vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn Hà Nội đã được xác định, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Bên Cảnh sát PCCC phải chủ trì rà soát, thẩm duyệt hồ sơ. Sở Xây dựng là cơ quan thẩm định dự án, thẩm định thiết kế. Bên PCCC nghiệm thu PCCC xong, bên Sở Xây dựng mới nghiệm thu để đưa vào sử dụng. Đại diện Sở Xây dựng cũng cho rằng khi xảy ra vi phạm về PCCC tại các dự án công trình, nếu xử phạt hành chính thì cũng chưa đủ răn đe chủ đầu tư mà phải xử lý hình sự.

“Khi đưa vào sử dụng, mặc dù nghiệm thu xong mà không làm tốt công tác bảo trì thì nhiều thiết bị PCCC sẽ rơi vào tình trạng “có cũng như không”. Bảo hành bảo trì phải tốt, nếu không làm thì lại hỏng, lúc xảy ra cháy lại không hoạt động được. Nhiều khi nhìn bình cứu hoả rất đầy đủ nhưng bên trong hết bọt, quá hạn rồi”, vị cán bộ nói.

MỚI - NÓNG