Nhiều chợ lớn ở Bình Dương vẫn ‘cửa đóng then cài’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo quy định, UBND tỉnh Bình Dương cho phép các chợ đầu mối, chợ truyền thống hoạt động trở lại từ 1/10 nhưng đến nay nhiều chợ trên địa bàn tỉnh này vẫn đóng cửa chống dịch.

Theo quyết định UBND tỉnh Bình Dương, từ ngày 1/10, địa phương này thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, trở về trạng thái bình thường mới. Theo đó, các ngành nghề gần như đã được hoạt động trở lại chỉ còn kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu phải tiếp tục tạm ngưng.

Trong số các lĩnh vực được phép hoạt động trở lại có chợ đầu mối, chợ truyền thống. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có rất nhiều chợ dù được phép nhưng đang trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Hiện chợ đầu mối Phú Hòa (còn gọi là chợ Hàng Bông) và chợ truyền thống Thủ Dầu Một… là những khu chợ có quy mô lớn nhất tại tỉnh Bình Dương, nơi có đầy đủ các mặt hàng vẫn đang đóng cửa.

Nhiều chợ lớn ở Bình Dương vẫn ‘cửa đóng then cài’ ảnh 1

Chợ truyền thống TP Thủ Dầu Một vẫn chưa hoạt động

Nhiều chợ lớn ở Bình Dương vẫn ‘cửa đóng then cài’ ảnh 2

Nhiều khu chợ lớn Bình Dương vẫn chưa mở cửa

Đại diện UBND TP Thủ Dầu Một cho biết các khu chợ lớn chưa hoạt động trở lại vì đang xét hồ sơ theo đúng thủ tục. “Thành phố đang phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp hoạt động của các chợ theo đúng hướng dẫn của Sở Công thương”, đại diện UBND TP Thủ Dầu Một cho hay.

Theo quy định, ngành chức năng Bình Dương yêu cầu các đơn vị phân phối hàng hóa thực hiện việc yêu cầu nhân viên, người lao động, tiểu thương và khách hàng đến mua sắm tại các chợ truyền thống phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc ít nhất tiêm mũi 1 sau 14 ngày. Các trường hợp F0 khỏi bệnh phải có xác nhận của cơ quan y tế.

Ngoài ra, các chợ phải thiết lập kiểm dịch bằng việc quét mã QR hoặc bố trí nhân viên kiểm tra trực tiếp các loại giấy tờ theo quy định tại cổng ra vào để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bằng các biện pháp khai báo y tế, giấy hoặc mã tiêm phòng theo quy định, xét nghiệm định kỳ..; tuyệt đối không tiếp nhận khách hàng, tiểu thương không đủ điều kiện.

Nhiều chợ lớn ở Bình Dương vẫn ‘cửa đóng then cài’ ảnh 3

Chợ đầu mối lớn nhất Bình Dương chưa hoạt động

Nhiều chợ lớn ở Bình Dương vẫn ‘cửa đóng then cài’ ảnh 4

Quanh khu chợ đầu mối Hàng Bông đang bị rào chắn

Các chợ truyền thống bố trí sắp xếp quầy sạp hợp lý, có biện pháp kiểm soát mật độ người mua bán tại chợ. Bắt buộc người mua bán, làm việc trong các chợ phải thực hiện nghiêm quy định 5K.

Đội test nhanh COVID-19 sẽ được thành lập, định kỳ 3 ngày test 1 lần cho các tiểu thương, nhân viên làm việc tại chợ dưới sự giám sát của ngành chức năng.

Bình Dương cơ bản đồng ý dự thảo của TP.HCM về lưu thông giữa hai địa phương

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã thống nhất đồng ý với dự thảo của UBND TP.HCM về việc cho phép đưa đón chuyên gia, người lao động đi lại làm việc liên tỉnh, cũng như cho phép người dân đi xe cá nhân giữa vùng giáp ranh của hai địa phương, kèm theo một số điều kiện.

Với phương án đưa đón chuyên gia, người lao động liên tỉnh bằng ôtô, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất điều kiện của người ngồi trên xe đưa đón là người đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/1 lần như phương án UBND TP.HCM đưa ra. Với người mới tiêm 1 mũi vắc xin sau 14 ngày thì phải có giấy xét nghiệm âm tính 2 lần/tuần.

Đối với người lưu thông liên tỉnh giữa TP.HCM - Bình Dương bằng xe cá nhân, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị chỉ cho phép người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin và có giấy xét nghiệm âm tính định kỳ 2 lần/tuần lưu thông (thay vì phương án TP.HCM đưa ra là bao gồm cả người đã tiêm 1 mũi sau 14 ngày và xét nghiệm 1 lần/tuần). Ngoài ra, người lưu thông liên tỉnh bằng xe cá nhân còn phải có giấy xác nhận về việc lưu thông có nội dung địa điểm, cung đường... theo mẫu thống nhất.

Do diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị việc cho người lao động di chuyển bằng xe cá nhân liên tỉnh chỉ áp dụng với địa bàn giáp ranh là TP. Thủ Đức (TP.HCM) và TP. Thuận An, TP. Dĩ An (Bình Dương).

UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị về việc tổ chức xét nghiệm và cấp giấy xác nhận âm tính cho người lao động làm căn cứ đi lại các doanh nghiệp có thể tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Được biết, sau khi tiếp nhận phản hồi của các tỉnh lân cận, TP.HCM sẽ đưa ra quyết định cuối cùng để làm căn cứ áp dụng thực tiễn.

MỚI - NÓNG