Nhiều bất ổn với kinh doanh xăng dầu

Nhiều bất ổn với kinh doanh xăng dầu
TP - Trước hàng loạt vụ việc bất ổn liên quan đến kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước, ngày 5/6, Bộ Công Thương đã tổ chức họp khẩn, giải thích về tình trạng cháy nổ, rút ruột xăng dầu, đặc biệt là về việc chủ các cây xăng và nhân viên tiếp tay cho mãi lộ.

> Cây xăng bị cháy ở Hà Nội chưa được cấp phép
> Tướng Nghi nói về 'phút sinh tử' chiếc xe chở 22.000 lít xăng không nổ

Hà Nội: Cây xăng vừa cháy kinh doanh không phép

Trao đổi với báo chí về vụ cháy cây xăng chiều ngày 3/6, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Võ Văn Quyền cho biết, cây xăng tại số 2B đường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vi phạm quy định và kinh doanh không có giấy phép.

Theo ông Quyền, đây là trạm cấp phát xăng dầu của quân đội. Trước năm 2010, theo Nghị định 55, cây xăng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, do đất đai chật hẹp, sự chen lấn của các công trình quân sự cùng nhiều yếu tố khác, năm 2011, Tổng Cty Xăng dầu Quân đội đã trả lại đất cho Bộ Tư lệnh Biên phòng và thông báo với Sở Công Thương là không kinh doanh tại điểm bán xăng dầu 2B Trần Hưng Đạo.

“Quy hoạch của Hà Nội đưa cây xăng này ra khỏi địa điểm kinh doanh xăng dầu nên Sở Công Thương không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu”, ông Quyền nói.

Ông Quyền cũng cho rằng, trạm ở Trần Hưng Đạo không phải là cửa hàng kinh doanh xăng dầu, không được điều chỉnh bởi Nghị định 84, mà chỉ là trạm cấp phát xăng dầu nội bộ của Bộ Quốc phòng. Vì thế, cây xăng này không được phép bán xăng dầu cho các đối tượng công nghiệp, hộ tiêu dùng.

Rút ruột, tiếp tay cho mãi lộ - Ai chịu trách nhiệm?

Theo đại diện Bộ Công Thương, gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc nổi cộm liên quan đến kinh doanh xăng dầu tại một số địa phương. Như vụ ngày 2/6, cơ quan chức năng bắt quả tang xe bồn rút ruột xăng dầu tại khu 10, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh) do một Cty kinh doanh xăng dầu chở cho một đại lý thuộc hệ thống của Tổng Cty Dầu Việt Nam (PVOil).

Hay như vụ chủ và nhân viên cửa hàng xăng dầu trên Quốc lộ 20 tại Đồng Nai và Lâm Đồng móc nối, bảo kê, nhận tiền mãi lộ từ các lái xe vi phạm giao thông.

Về vụ rút ruột xăng dầu tại Quảng Ninh, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Cục đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đề nghị điều tra, xử lý.

Qua vụ việc cho thấy, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng làm ăn phi pháp rất tinh vi. Chúng thường xuyên thay đổi, núp bóng dưới nhiều hình thức để rút ruột xăng dầu hoặc pha trộn xăng dầu trái phép.

Ông Lam thừa nhận, quy trình kiểm tra, giám sát của các doanh nghiệp đầu mối từ nhập đến bán tại các cửa hàng đang có lỗ hổng. “Vụ việc rút ruột xăng dầu tại Quảng Ninh, các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ bị xử lý ở mức cao nhất”, ông nói.

Trả lời về trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu, ông Lam “đá” quả bóng sang Bộ KH&CN và nói: Việc kiểm tra chất lượng xăng dầu Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN.

 “Việc cây xăng quân đội tại 2B Trần Hưng Đạo bán xăng không đúng đối tượng là đã vi phạm quy định pháp luật. Bộ Công Thương sẽ yêu cầu doanh nghiệp đầu mối ngừng việc bán xăng dầu sai đối tượng và sẽ có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị cây xăng này chỉ cấp phát xăng dầu trong nội bộ Bộ Quốc phòng”.  

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Võ Văn Quyền

Dù vậy, theo ông Lam, vì là cơ quan kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm nên trong năm 2012, riêng lĩnh vực xăng dầu, Cục đã kiểm tra hơn 7.000 vụ, xử phạt hơn 1.150 vụ; trong đó, có 68 vụ vi phạm về chất lượng xăng dầu và 63 vụ vi phạm về đo lường. Tổng số tiền phạt gần 8,6 tỷ đồng và tước giấy phép kinh doanh 43 cửa hàng.

Về vụ chủ và nhân viên các cửa hàng xăng dầu trên Quốc lộ 20 ở Đồng Nai và Lâm Đồng móc nối, bảo kê, nhận tiền mãi lộ từ các lái xe vi phạm giao thông, ông Lam thừa nhận, dư luận rất bức xúc. Đây là vụ mãi lộ rất tinh vi. “Qua hành vi móc nối mãi lộ này, đặt ra cho chúng tôi là trong quá trình kiểm tra, kiểm soát phải nâng cao cảnh giác”, ông nói.

Loại bỏ cây xăng ngoài quy hoạch

Trước hàng loạt vụ việc nổi cộm liên quan đến xăng dầu vừa xảy ra, ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã ký văn bản hoả tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị lập lại kỷ cương trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, các địa phương phải tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, qua đó phát hiện, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với các cửa hàng vi phạm, kiên quyết loại bỏ những cửa hàng xăng dầu không nằm trong quy hoạch.

Các địa phương phải rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh xăng dầu, nhất là khu vực gần kho, cảng, tuyến đường vận chuyển chính; quản lý chặt chẽ các cơ sở dễ xảy ra tình trạng rút ruột, pha chế, mua bán xăng dầu trái phép (nơi rửa xe, điểm thu mua dầu thải...); chủ động phương án kiểm tra...

Đồng thời, phối hợp với cơ quan PCCC thường xuyên tổ chức kiểm tra phòng chống cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu, kể cả rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các trường hợp vi phạm quy định về PCCC.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).