Nhận định nêu trên được Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị định quản lý trang thiết bị y tế vào sáng nay (17/9).
Theo bà Trương Thị Mai, trên thị trường có hàng ngàn loại trang thiết bị y tế, nhưng chỉ có khoảng 20 loại được kiểm tra, kiểm định hàng năm, còn các loại khác thì được quản lý như hàng hóa thông thường. Từ thực trạng trên, việc ban hành một văn bản quy định về quản lý trang thiết bị y tế để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trang thiết bị y tế là một loại hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế. Tuy nhiên, hầu hết trang thiết bị y tế đang sử dụng tại các cơ sở y tế lại chưa được định kỳ kiểm chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa, không đủ nguồn vốn để đầu tư và đổi mới, nhiều địa phương không có đủ kinh phí để mua vật tư tiêu hao.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Tiến, các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn ít, chủng loại sản xuất còn nghèo nàn, chất lượng trang thiết bị y tế sản xuất trong nước chưa cao. Hệ thống kinh doanh, xuất nhập khẩu cũng chưa hoàn chỉnh, thiếu vốn, thiếu thông tin, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về kỹ thuật về trang thiết bị y tế.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước cũng cho rằng, hiện lĩnh vực trang thiết bị y tế đang bị để trống nên cần phải ban hành một văn bản pháp luật về vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Ksor Phước cho rằng phạm vi trong dự thảo Nghị định quản lý trang thiết bị y tế quá rộng, liên quan đến hàng chục luật khác, khó có thể thẩm tra hết.
Do vậy, ông Ksor Phước đề nghị Nghị định trước mắt chỉ quản lý những chủ thể như cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Còn việc sản xuất kinh doanh thế nào, buôn bán ra sao thì nên quy định trong các luật khác.
Cũng đánh giá Nghị định này "to" như Bộ luật, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nghị chưa làm rõ mục đích quan trọng nhất.
“Nghị định ra đời có quản lý được các cơ sở y tế không? Phải kiểm tra thật chặt, máy móc y tế giờ hiện đại, nhưng vẫn còn máy cũ, chất lượng không tốt. Có những loại máy chụp rất lâu, nhưng ở nước ngoài có khi chỉ mất 10 phút là xong. Mình phải quản lý cái này để cho dân nhờ”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Đụng cái lại phải đến xin phép, nộp phí rồi lại sinh ra tiêu cực".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.
“Nghị định phải quy định rõ các điều kiện để người ta làm chứ không phải đụng cái lại phải đến xin phép, đến nộp phí, rồi sinh ra tiêu cực, cuối cùng lại dồn hết lên đầu người bệnh. Phải đổi mới tư duy đi và phải tính lại nghị định này”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Cuối buổi làm việc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án xây dựng lại nghị định, trình và cho ý kiến tại phiên họp tới.