Nhiều bảo vật quốc gia Hoàng thành Thăng Long xuất hiện ở TPHCM
TPO - Triển lãm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau và trưng bày Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam tại Bảo tàng TPHCM (Quận 1) mở cửa sáng 23/8. Tại không gian triển lãm, nhiều quan khách trầm trồ khi được chiêm ngưỡng tận mắt nhiều bảo vật quốc gia.
Triển lãm thu hút khá đông khách tham quan sáng 23/8. Nhiều người cho rằng cách bày trí khá độc đáo khiến những ai đến đây đều cảm nhận rõ nét không gian đậm chất kinh đô hiện diện ngay giữa trung tâm TPHCM.
Bảo vật quốc gia mô hình kiến trúc thời Lê sơ từ thế kỷ 15 gây ấn tượng mạnh với quan khách. Mô hình có niên đại hơn 500 năm, cho thấy lối kiến trúc đấu củng của cung điện thời Lê sơ. Hiện vật được tìm thấy trong hố khai quật tại phía Đông Bắc, cách điện Kính Thiên - trung tâm Hoàng thành Thăng Long khoảng 100 m. Đầu năm 2024, mô hình được Thủ tướng ký quyết định là bảo vật quốc gia.
Tại Bảo tàng TPHCM cũng trưng bày phiên bản Trống đồng Cổ Loa, là món quà tặng ý nghĩa của Thành phố Hà Nội tặng TPHCM nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô ((10/10/1954-10/10/2024).
Mô hình được làm bằng chất liệu đất nung phủ men, có chiều cao tổng thể 16,8 cm. Bảo vật hiện chỉ còn một phần bộ mái và bộ khung kết cấu của công trình hoàn thiện. Trong đó hệ cột có bốn cột cái, 12 cột quân (cột hiên), hệ xà gồm câu đầu, xà thượng, xà hạ. Hệ đấu củng có đấu, củng, ang và xà vuông. Những cột cái và ba cột quân tương ứng ở mỗi góc tạo thành hình vuông, đảm bảo cho kết cấu bộ khung khớp với nhau. Các cột cách nhau không đều do ảnh hưởng của việc nung đốt. Bộ mái đầy đủ của mô hình là cấu trúc hai tầng, tám mái chồng diêm. Phần tìm thấy chỉ còn tầng mái thứ nhất. Đầu dư phía ngoài của xà hiên được trang trí hình đầu rồng, miệng ngậm ngọc. Bảo vật được sản xuất thành từng cấu kiện, sau đó ráp lại thành công trình hoàn chỉnh trước khi phủ men và đưa vào nung. Về mặt hình thái, bảo vật có nhiều nét tương đồng với kiến trúc gác chuông chùa Keo (Thái Bình). Điểm khác biệt là cung điện thời Lê Sơ dùng đấu củng để chịu lực chính, trong khi ở công trình gác chuông chùa Keo, hệ thống này chủ yếu mang tính trang trí.
Bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long độc bản được công nhận bảo vật quốc gia 2021. Sản phẩm từ thế kỷ 15, thuộc thời Lê và chỉ có hai chiếc. Hoạ tiết được in nổi trên thành sứ siêu mỏng cỡ vỏ trứng nên có khả năng xuyên quang. Giữa đáy bát có in chữ "Quan", minh chứng cho việc sản phẩm này được làm từ "Quan xưởng thiết lập", nơi chuyên sản xuất vật dụng cung đình.
Đến với triển lãm, quan khách sẽ được tìm hiểu sự khác nhau hình tượng rồng qua các thời kỳ thông qua hình dáng, kích thước, số lượng móng vuốt... Hiện vật, nhóm hiện vật có thể hiện hình tượng rồng đã được Chính phủ Việt Nam công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là những dấu tích vật chất minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội với những giá trị cốt lõi làm nên bề dày lịch sử của khu di sản nghìn năm tuổi.
Trưng bày Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam giới thiệu quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một Nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa từ khi chập chững học những con chữ đầu tiên đến khi đỗ đạt thành tài, đem tài năng phụng sự đất nước.