Cận cảnh ngôi đình đặc biệt gắn với hoạt động cách mạng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng
TPO - Đình Bình Đông là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, tọa lạc tại quận 8 (TPHCM). Ngày 20/8 - là ngày kỷ niệm 136 năm ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Đình Bình Đông nằm trên cù lao Bà Tàng (phường 7, quận 8). Được xây dựng trước năm 1853 ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi, đình Bình Đông là điểm đến quen thuộc của người dân trong vùng, các tỉnh lân cận và của nhiều du khách khi đến thành phố. Cổng chính được xây dựng theo kiểu tam quan, nóc đình là "lưỡng long tranh châu" thường xuất hiện trong các kiến trúc đình, chùa của người Việt. Trước Chánh điện là nhà Võ ca - nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong những dịp lễ hội của đình...
Ban đầu đình chỉ là ngôi nhà lá để người dân trong vùng hội họp. Trải qua nhiều lần trùng tu, đến năm 1991, đình được xây dựng lại với kết cấu bằng nguyên vật liệu nặng nhưng vẫn giữ nét kiến trúc tổng thể.
Năm 2017, cây cầu bê tông bắc qua dòng kênh này được hoàn thành giúp người dân và du khách qua lại thuận lợi hơn.
Đình gồm Võ ca và Chánh điện nằm giữa, hai bên có Đông và Tây lang, bên cạnh là nhà Nghĩa Từ. Khoảng sân đình rộng được trồng nhiều cây xanh với 3 cổng vào đều hướng ra bờ kênh.
Chánh điện có kiến trúc truyền thống với các gian thờ, hoành phi, câu đối. Nơi thờ cúng trong Chánh điện còn lưu giữ các hiện vật cổ như Khám thờ Thần, Tả Hữu ban, Hội đồng, bộ bát bửu.
Chánh điện của đình Bình Đông là nơi cất giữ an toàn các mật thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc chuyển từ nước ngoài về và các sách báo tuyên truyền cho Chủ nghĩa Mac-Lenin.
Năm 1920, sau khi trở về Sài Gòn, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng với những người bạn chiến đấu thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức.
Nhờ vào địa thế của Đình nằm ở một cù lao khá hoang vắng, nổi tiếng linh thiêng nên lính Pháp rất e ngại, không dám đến gần. Vì thế, ngay tại Đình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ đạo nhiều hoạt động của Công hội mà không bị địch phát hiện.
Để tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, năm 1991, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động quận 8 đã đóng góp, xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngay tại khuôn viên đình Bình Đông.
Người dân thường đến viếng đình Bình Đông, thắp hương ở nhà lưu niệm tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng,
Chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng trang trọng bên trong nhà lưu niệm của đình Bình Đông.
Người dân đến Nhà tưởng niệm Bác Tôn tìm hiểu cuộc đời hoạt động của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Chân dung anh Hai Thắng khi mới 18 tuổi. Ảnh được trưng bày tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Góc trưng bày những hình ảnh quý giá về Bác Hồ và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thăm và động viên đồng bào Khâm Thiên (Hà Nội) bị ném bom đêm 26/12/1972.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gặp gỡ thân mật với đoàn đại biểu thanh niên Năm xung phong tại Hà Nội ngày 12/5/1973.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gặp gỡ đồng bào các dân tộc 1974.