Nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90 nghìn người tử vong mỗi năm

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90 nghìn người tử vong mỗi năm
TPO - Không chỉ làm tăng thời gian nằm viện, tăng 2-3 lần chi phí điều trị, nhiễm khuẩn bệnh viện mỗi năm cướp đi 90 nghìn người trên thế giới với chi phí y tế tăng thêm 4,5 tỷ USD. 

Chiều 7/9, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) phối hợp với Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM tổ chức Hội nghị kiểm soát nhiễm khuẩn trong ngoại khoa. Phát biểu tại hội nghị, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhìn nhận nhiều tồn tại trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn: nhân viên y tế chưa thực hiện đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, lạm dụng thuốc kháng sinh…khiến tình trạng này trở thành một thách thức lớn đối với ngành y tế.

Theo PGS.TS Lê Thị Anh Thư, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu ca tử vong do các biến chứng có liên quan đến phẫu thuật, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là người bệnh nhiễm khuẩn liên quan đến phẫu thuật.

“Nhiễm khuẩn bệnh viện làm kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày với viện phí phát sinh ước tính là khoảng 2,9 triệu đồng/ca. Đây là con số không nhỏ đối với một nước có mức thu nhập còn thấp như ở Việt Nam.”, TS Thư cho biết về kết quả nghiên cứu mới đây được thực hiện tại BV Chợ Rẫy.
Nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90 nghìn người tử vong mỗi năm ảnh 1 Nhiễm khuẩn BV được xem là một thách thức lớn với y tế

Cùng ý kiến,  PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc BV Bình Dân nhìn nhận tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn đề kháng kháng sinh đang là gánh nặng cho người bệnh và thử thách ngành y tế tại nhiều quốc gia đang phát triển.”Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng biến chứng, nguy cơ tử vong, thời gian điều trị từ 2-3 lần so với không nhiễm khuẩn”, BS Hoàng nhấn mạnh.

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90 nghìn người tử vong mỗi năm ảnh 2 PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư phát biểu tại hội nghị

Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để vấn đề nhiễm khuẩn tại bệnh viện, điều tiên quyết là cần phải thực hiện tốt những nguyên tắc về vô khuẩn, theo dõi kỹ, sát sao để kiểm soát, ngăn chặn và tìm ra nguồn nhiễm một cách kịp thời. Một biện pháp ít tốn kém và hiệu quả cao có thể kể đến là rửa tay. “Các BS cần rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô khuẩn và sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn để phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện”, các chuyên gia cho biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm thế giới có khoảng 2 triệu bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90.000 người tử vong và chi phí y tế tăng thêm 4,5 tỷ USD. Tại Việt Nam, nghiên cứu trên gần 10.000 bệnh nhân của 10 bệnh viện, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm tới 55,4%.

MỚI - NÓNG