Nửa đêm, đúng hôm trăng lấp ló góc trái giàn khoan, biển lặng như nín thở dõi theo những người thợ trẻ đang thao tác chuyển khối nguồn phóng xạ vào bộ thiết bị ở mũi khoan. Khẩu lệnh vang lên toàn giàn: Tất cả tránh xa 3 mét. Mọi thao tác diễn ra cẩn trọng, chính xác và nhanh chóng. Chỉ một chút lệch pha, hậu quả sẽ khôn lường…
Phút giây lặng
Đó là thời khắc hiếm hoi mà chính người trong nghề cũng khó có điều kiện chứng kiến. Lúc ngồi máy bay ra Giàn khoan PVD VI ở Mỏ Chim Sáo và Dừa (thuộc Tập đoàn Dầu khí-PVN), Phó Trưởng phòng Quản lý Hoạt động Khoan (PVN) Trương Hoài Nam cho biết, trên giàn khoan có nguồn phóng xạ, thuốc nổ và nó được bảo quản tại một nơi hết sức cẩn mật, không ai được lại gần. Theo anh Nam, nguồn phóng xạ sẽ được chuyển xuống đáy giếng trong quá trình khoan để xác định các vỉa dầu – khí.
Khẩu lệnh hô mọi người tránh khối phóng xạ xa 3 mét, nhưng anh Nam cẩn thận còn kéo mấy nhà báo đứng xa 4 mét cho chắc ăn. Một công nhân thao tác, người khác đứng giám sát chéo. Sở dĩ phải cẩn thận như vậy vì từng xẩy ra chuyện tại một giàn khoan ở nước ngoài. Trong quá trình lắp phóng xạ đưa vào giếng khoan, do bất cẩn nên vật nguy hiểm này văng ra ngoài mà không ai hay biết, trong khi công nhân đinh ninh đã xong việc. Một công nhân ở kíp khác trong lúc làm việc đã nhìn thấy một vật lấp lánh, tưởng vật gì quý liền cất giấu rồi đưa cho sếp. Ông sếp nhìn thấy tá hỏa và báo động, ngay lập tức cho công nhân nhập viện và rà soát lại mức độ nhiễm phóng xạ theo lộ trình anh này dịch chuyển. Bốn ngày sau, anh công nhân này tử vong vì nhiễm phóng xạ quá lớn. Từ đó trở đi, mỗi khi trên giàn khoan lắp phóng xạ đều phải có người giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thế mới thấy việc Phó phòng Nam yêu cầu lùi xa hơn cũng không thừa. Nhỡ đâu trượt tay, mẩu phóng xạ văng sát người
thì sao…
Giàn khoan PVD VI ở Mỏ Chim Sáo và Dừa đang là nơi xa đất liền nhất (cách Vũng Tàu khoảng 370 Km), mất 2 giờ bay trực thăng. Từ Vũng Tàu bay ra Chim Sáo, máy bay lướt qua một loạt giàn khoan – giàn khai thác. Hôm đó, sau cơn bão số 12, biển lặng êm. Thế nhưng, những giếng khoan dường như đang hối hả vào việc. Ai đó nói, giá dầu thô đã vừa nhích lên trên 60 USD/thùng. Nghe nói để khai thác được thùng dầu, chi phí đã mất khoảng 50 USD. Trong khi đó, những thùng dầu đóng góp cho Ngân sách Nhà nước tới gần 30%. Trong bối cảnh giá dầu thê thảm, không ít người so sánh việc xuất khẩu dầu chỉ ngang bằng xuất rau, củ quả. Việc giá dầu giảm cũng khiến cho nhiều giàn khoan khắp thế giới phải nằm phơi sương, phơi nắng. Lương công nhân giàn khoan chưa bao giờ thê thảm như lúc này.
Chuồng chó
Tại giàn khoan PVD VI, lúc tôi có mặt, tổng số nhân lực là 119 người. Như bao nhiêu giàn khoan khác, công việc chia làm 2 ca, mỗi ca 12 tiếng. Khắp nơi rộn rã tiếng máy, tiếng búa liên tục trong 24 giờ. Khu yên tĩnh nhất trên giàn là dãy buồng ngủ và nơi giải trí. Tuy nhiên, trên giàn khoan, dường như chỉ có công việc. Để thuộc được mọi lối đi như mê cung ở đây, tôi phải mất đến 2 ngày khám phá. Từ khu nghỉ tới nơi khoan phải di chuyển ngoằn ngoèo và men theo nhiều thang tay dốc đứng. Đương nhiên, như bất cứ công nhân hiện trường nào, tôi phải mang đồ bảo hộ lao động, giày và găng tay chống trượt. Vượt qua cả giàn ống chống - cần khoan cao vút mới tới được một nơi bí hiểm và quan trọng số 1 trên giàn khoan: Chuồng chó (dog house). Không hiểu sao, cánh thợ khoan lại đặt tên buồng giám sát khoan là “chuồng chó”. Kỳ thực, chuồng chó như một cabin máy bay, với nhiều bảng điều khiển và chi chít những con số tính toán. Nhìn từ ngoài vào, đây giống như một chuồng chó thực thụ khi được bọc bằng những thanh sắt và kính cường lực. Những người ngồi ở chuồng chó, có quyền lực đánh giá giếng khoan đảm bảo độ chính xác và an toàn. Nghe nói, nếu ai kinh qua vị trí này mới có thể thăng tiến lên cấp “sỹ quan” cao cấp trong nghề. Tất nhiên, đồng lương rất thỏa đáng. Do vậy, tuy gọi là chuồng chó, nhưng xét về đẳng cấp tay nghề thì nơi này giống như một “đền thiêng” trên giàn khoan.
Hôm tôi có mặt, Nelson (người Indonesia) đầu chít khăn, đang cùng một người khác kiểm soát các thông số giếng khoan. Thỉnh thoảng, Nelson tay với micro điều hành công nhân bên ngoài dịch trái, dịch phải. Trông Nelson như một cơ trưởng. Bên ngoài, những công nhân khoan (tên vẫn gọi là floorman) đang cần mẫn di chuyển cần khoan và lắp mũi khoan. Đây là nơi dính dầu nhớt nhiều nhất và có nguy cơ nhiễm phóng xạ hoặc các ống chống – cần khoan va đập. Nguyễn Văn Công (sinh năm 1984, quê Hưng Yên), chưa vợ, cười lấp lóa dù khuôn mặt nhem nhuốc bùn. Vừa lắp cần khoan, Công lại vác dụng cụ trèo thoăn thoắt lên sàn tháp khoan cao cỡ 30 mét. Bộ quần áo dính bùn bết bát, cộng đôi giầy và dụng cụ, có khi Công phải mang thêm 20kg leo lên xuống bằng tay đến 10 lần. Một màn tập thể lực kinh khủng.
Ngày mát trời không sao, gặp hôm mưa gió hoặc nắng cháy thì thôi rồi. Ấy vậy mà, có công nhân còn mang đồ ăn, nước uống trèo lên đỉnh tháp khoan (cao nhất trên giàn khoan) và ngồi lỳ làm việc tay chân trên đó, giữa thời tiết khắc nghiệt 12 giờ đồng hồ. Công đã làm công việc này được 7 năm. Nhiều năm trước ngành dầu khí thịnh vượng, vị trí như Công cũng kiếm kha khá. Cứ 28 ngày làm việc liên tục, Công được vào đất liền nghỉ 28 ngày với các loại phụ cấp. Thế nhưng nay, thời của giá dầu hạ, tháng đi biển, Công lương tháng chỉ 20 triệu đồng, tháng nghỉ trong đất liền, công ty trả lương tối thiểu. Tính trung bình, thu nhập hàng tháng của Công chỉ xấp xỉ từ 7-10 triệu đồng. Đó là thanh niên 33 tuổi này còn chưa có gia đình.
Cũng ở vị trí floorman, Nguyễn Thắng Lợi (37 tuổi, quê Đô Lương, Nghệ An) đã có vợ là giáo viên mẫu giáo, cùng 2 con nhỏ. Cả gia đình Lợi sống tại Vũng Tàu. Đêm hôm đó, ngồi trên phòng giải trí xem ti vi, Lợi khoe ảnh vợ con với tôi. Người đàn ông có chiếc răng khểnh ấy lấy những tấm ảnh người thân làm điểm tựa để vượt qua công việc. Khi nghe tôi nói giá dầu thô đã nhích lên, Lợi vui ra mặt. Tháng không đi biển, nghỉ ở đất liền, Lợi lại đi làm thêm kiếm sống bằng nghề hàn.
Sống ở giàn khoan, có nhiều thứ thật lạ. Nơi đây như thế giới đa chủng tộc. Tùy thuộc vào nhân sự nước nào đông nhất mà thứ ngôn ngữ nước đó được phổ biến. Tại Giàn khoan PVDVI, đa số là người Việt. Đây cũng là niềm tự hào khi hầu hết những vị trí chủ chốt do người Việt đảm trách. Chỉ một vài vị trí phải thuê chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, hàng “sỹ quan” cốt cán chủ yếu người Việt, Anh, Mỹ và New Zealand. Còn lại, có cả công nhân người Malaysia. Tuy nhiên, có điều lạ, công nhân Việt được đánh giá cao hơn Malaysia. Tất nhiên khi cần, những người Việt trên giàn “bắn” tiếng Anh nhoay nhoáy.
Do sống trên biển cả tháng trời nên ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm sinh lý của cán bộ, công nhân giàn. Bác sỹ Dân (nhà ở TP HCM), trên 50 tuổi, người tầm thước, tóc bắt đầu lởm chởm- đây là một trong những dấu hiệu sắp được về nhà (vì cứ mỗi lần ra giàn khoan lại cắt tóc gọn gàng). Bác sỹ Dân nói: “Đến tuần thứ 3 trên biển, với một số người đã có thể thấy ngay những biểu hiện căng thẳng”. Ngay như với bác sỹ Dân-một người chỉ quanh quẩn trực trong khu nhà ở, hiếm khi có bệnh nhân cần giúp đỡ nên cũng rảnh. Nhìn bộ dạng chính ông cũng thấy được sự tù túng. Có lẽ, giây phút vui nhất với ông là khi làm thủ tục đón khách từ trực thăng đến và đi. Chỉ có lúc đó, ông mới được luôn chân, luôn tay. Mà cũng nhờ trời để ông được thất nghiệp đúng nghĩa nếu không thì gay go.
“Vương quốc” của bác sỹ Dân là một căn phòng nhỏ có đầy đủ dụng cụ tiểu phẫu hoặc cấp cứu tạm thời. “Giả sử mổ ruột thừa, phải gọi trực thăng chở vào đất liền. Chứ còn sứt sẹo, đau bụng thường, tui làm được”, bác sỹ Dân nói. Chả hiểu sao, tôi cứ trộm nghĩ, có lẽ, bác sỹ hàng ngày nên xay sinh tố rau răm giúp mấy anh em trẻ trong những tuần căng thẳng nhất.
(Còn nữa)
Trên mỗi giàn khoan đều có sân bay trực thăng, thậm chí phòng tập gym. Cuộc sống trên giàn khoan tuy vất vả, nhưng đừng tưởng giữa biển khơi không có những điều thú vị. Nhiều cán bộ trẻ còn có cả bộ sưu tập ảnh bình minh hoặc hoàng hôn trên biển tuyệt đẹp. Những đêm trăng sáng, ngắm những chuyến tàu trên hải trình quốc tế chạy qua, đẹp đến nao lòng.