Nhật Bản sẽ 'rót' vốn đầu tư loạt dự án giao thông trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Số vốn này giúp Bình Dương nâng cấp hệ thống xử lý rác thải, tạo điện năng từ rác. Ngoài ra, đại diện Nhật Bản hứa sẽ có buổi làm việc tiếp theo để quyết định việc hỗ trợ vốn giúp Bình Dương sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Ngày 14/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết đã có buổi tiếp và làm việc với ông Hayakawa Yuho - Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho hay, phía Nhật Bản hứa sẽ hỗ trợ vốn để địa phương sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh TP.HCM và Đồng Nai. Bình Dương đang triển khai các tuyến đường trọng điểm như vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ triển khai trong năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm. "Khi các dự án giao thông này được hình thành sẽ thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển rất nhanh", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kỳ vọng.

Ông Minh cũng cho hay, tuyến buýt nhanh kết nối thành phố mới Bình Dương​ với​ Suối Tiên (TPHCM) là một trong những tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Dương. Việc đẩy nhanh tiến độ dự án này sẽ tạo ra không gian phát triển đô thị mới cho tỉnh Bình Dương.

Nhật Bản sẽ 'rót' vốn đầu tư loạt dự án giao thông trọng điểm ảnh 1

Bình Dương triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm

Theo ông Minh, hiện Bình Dương đang dự kiến xây dựng tuyến đường sắt trùng với tuyến đường sắt Xuyên Á từ trung tâm Bình Dương đi Củ Chi (TPHCM). Trước tiên, Bình Dương sẽ xây dựng tuyến đường sắt chiều dài 41 km từ khu vực phía Bắc của tỉnh (giáp tỉnh Bình Phước) xuống ga Sóng Thần, TP.Dĩ An.

Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch triển khai tuyến đường sắt từ ga Sóng Thần đi Cái Mép và sân bay Long Thành. Vì vậy, Bình Dương đánh giá rất cao tính khả thi tuyến đường này, vì nó có tính kết nối liên kết vùng từ các tỉnh Tây Nguyên, qua các địa phương từ Bắc xuống Nam của tỉnh, đặc biệt là đi qua các KCN. Hiện, Bình Dương đang thuê đơn vị tư vấn thiết kế, cũng như tìm đối tác đầu tư công tư để phát triển các dự án tuyến đường sắt.

Trước đó, Bình Dương vừa tổ chức lễ ký kết hợp đồng khoản vay không bảo lãnh của Chính phủ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Theo hợp đồng, Bình Dương được vay vốn ưu đãi 20 triệu USD, trong đó gồm 7 triệu USD từ các nguồn vốn thông thường của ADB, 6 triệu USD từ Quỹ hạ tầng khu vực tư nhân hàng đầu châu Á do ADB quản lý và khoản vay song song trị giá 7 triệu USD từ JICA để phục vụ dự án Nhà máy sản xuất phân Compost công suất 840 tấn/ngày, lò đốt rác công suất 200 tấn/ngày có phát điện công suất 5MW/giờ. Khi dự án hoàn thành sẽ phân loại 2.520 tấn/ngày, tách lọc, phân loại tái chế phân hữu cơ và phần còn lại sẽ được tiêu hủy đốt và tận dụng nguồn nhiệt để phát điện công suất 5MW/h.

MỚI - NÓNG