Trước đó ngày 2/2, Bình Nhưỡng ra thông báo tới 2 cơ quan của Liên hợp quốc và Tổ chức hàng hải quốc tế và Liên minh viễn thông quốc tế về kế hoạch phóng vệ tinh từ Trung tâm vũ trụ Sohae nằm ở phía tây bắc nước này, trong khoảng 20 ngày tính từ ngày 8/2, thời gian phóng khoảng từ 7h00 sáng đến buổi trưa hàng ngày, giờ địa phương.
Chính phủ Nhật Bản ngay lập tức ra tuyên bố rằng, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã hạ lệnh cho các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, bao gồm: hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không PAC-3 và hệ thống tên lửa SM-3 trang bị trên các tàu chiến, bắn hạ tên lửa đẩy vệ tinh của Triều Tiên nếu tên lửa của Bình Nhưỡng đe dọa chủ quyền của Nhật Bản.
Hàn Quốc cũng phản đối kế hoạch trên của Bình Nhưỡng. “Nếu như Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa tầm xa thách thức hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới, Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá đắt”, Cho Tae-Yong, chuyên gia an ninh cao cấp thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, cho biết trong một tuyên bố.
Trung tâm phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên gần đây đã được nâng cấp trên quy mô lớn, bao gồm việc xây dựng một bệ phóng cao hơn cho phép phóng các tên lửa lớn hơn và các cơ sở nạp nhiên liệu ngầm cho phép các kỹ sư chuẩn bị tên lửa để phóng.
Các chuyên gia phân tích gần đây cảnh báo Triều Tiên đã bắt tay hợp tác với Iran về công nghệ tên lửa tầm xa. Tehran và Bình Nhưỡng được cho phối hợp cùng chế tạo một loại tên lửa đẩy. Loại tên lửa này khả năng sẽ được sử dụng trong lần phóng vệ tinh sắp tới.
Trước đó vào năm 2012, Triều Tiên sử dụng tên lửa đẩy Unha-3 trong vụ phóng vệ tinh đầu tiên thành công lên quỹ đạo. Lần này, Triều Tiên có thể sẽ sử dụng tên lửa đẩy uy lực với sức phóng 80 tấn để phóng vệ tinh, theo Jeffrey Lewis, giám đốc Trung tâm chống phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin.