Nhật Bản lo xảy ra kịch bản ác mộng ở quần đảo tranh chấp với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Một tàu hải cảnh Nhật Bản tuần tra ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: Reuters)
Một tàu hải cảnh Nhật Bản tuần tra ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: Reuters)
TPO - Kịch bản ác mộng khiến các nhà làm luật Nhật Bản tính chuyện ban hành luật mới để việc triển khai Lực lượng phòng vệ nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Kịch bản ác mộng mà Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản có thể đối mặt như sau:

Một tàu cá Trung Quốc bị hỏng gần quần đảo Senkaku, nơi Trung Quốc cũng có yêu sách và gọi là Điếu Ngư. Khi đó, Trung Quốc điều hải cảnh của họ ra bảo vệ tàu cá của mình. Các ngư dân Trung Quốc lên một đảo của quần đảo Senkaku trong lúc chờ sửa tàu, bất chấp cảnh báo xua đuổi của Nhật. Trong lúc căng thẳng gia tăng, hải cảnh được vũ trang của Trung Quốc nổ súng vào lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp điều tàu vào khu vực quần đảo tranh chấp, Nhật Bản nghĩ rằng kịch bản như trên hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đang nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa luật để trao quyền lớn hơn cho lực lượng phòng vệ trên biển trong những trường hợp như trên.

Theo luật hiện nay, các ngư dân Trung Quốc lên đảo sẽ được coi là tình huống vùng xám, nên Lực lượng phòng vệ Nhật Bản không thể can thiệp theo khuôn khổ pháp luật hiện nay.

Theo đánh giá của chính quyền Nhật, tham vọng của Trung Quốc đối với quần đảo này sẽ không chỉ dừng lại ở những hoạt động xâm phạm của tàu cá.

Một chuyên gia được mời đến dự cuộc họp của các nghị sĩ LDP tuần trước đã tiết lộ một thông tin gây sốc: Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng và bồi đắp ở quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sẽ đưa khoảng 20.000 người ra đó, Nikkei Asia đưa tin.

Từ tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh thực thi luật mới để cho phép hải cảnh nước này dùng vũ khí với các tàu nước ngoài trong những tình huống căng thẳng xảy ra trong vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc quyền tài phán của họ.

Luật mới đưa hải cảnh lên thành lực lượng bán quân sự, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột vì những tình huống vùng xám.

Chính phủ Nhật nói rằng Đạo luật thực thi nhiệm vụ cảnh sát cho phép các tàu tuần tra nổ súng vào những tàu đổ bộ trái phép. Nếu cảnh sát hay lực lượng bảo vệ bờ biển không thể triển khai hành động phản ứng phù hợp, một cuộc điện thoại sẽ được thực hiện và Nội các sẽ huy động Lực lượng phòng vệ Nhật ra hỗ trợ cảnh sát biển.

Chưa yên tâm với cơ chế này, các nghị sĩ LDP tuần trước đề xuất luật mới để “lấp vào chỗ trống”.

Dự luật kêu gọi sửa luật cảnh sát biển hiện nay, để cho phép các tàu cảnh sát biển sử dụng vũ khí với tàu nước ngoài không chấp hành yêu cầu rời đi.

Các nghị sĩ LDP cũng thúc đẩy quy định mới để cho phép triển khai Lực lượng phòng vệ mặt đất đến các đảo xa để rút ngắn thời gian phản ứng trong những tình huống thù địch.

Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ gần đây tái khẳng định rằng khu vực quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, nhưng điều khoản nói về việc Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật trong tình huống xảy ra tấn công vũ trang chỉ áp dụng với “những lãnh thổ nằm dưới quyền quản lý của Nhật”. Điều này có nghĩa là Mỹ cần xác định quan điểm rằng Senkaku phù hợp với điều kiện đó trước khi hành động.

Việc ông Biden “bảo đảm với chúng ta rằng Điều 5 áp dụng với Senkaku vẫn chưa phải kết thúc của câu chuyện”, cựu ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara, nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ nhân dân đối lập nói. Ông cho rằng Nhật cần “duy trì tình hình hiện nay để bảo đảm các đảo tiếp tục thuộc quyền quản lý của Nhật”.

“Mỹ sẽ không hành động trừ khi Nhật thể hiện sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ các đảo”, một quan chức cấp cao trong chính phủ Nhật nói với Nikkei.

Một nhóm khác của LDP phụ trách về chính sách an ninh quốc gia sẽ sớm kiến nghị chính phủ nghiên cứu hồ sơ hàng hải của các tàu tuần tra bờ biển, để Nhật Bản có thể đưa ra dữ liệu khách quan nhằm chứng minh họ đang duy trì an ninh và kiểm soát Senkaku nếu tranh chấp này với Trung Quốc được đưa ra toà án quốc tế.

Trung Quốc gia tăng các tàu hoạt động quanh Senkaku/Điếu Ngư từ năm 2012, khi chính phủ Nhật quốc hữu hoá nhóm đảo không người ở.

Theo Theo Nikkei Asia
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.